Tiềm năng du lịch biển Thừa Thiên-Huế hết sức phong phú khi ở đây có tới 127km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Thuận An, Cảnh Dương, Tư Hiền, Lăng Cô... Các bãi tắm này kết nối với vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng hơn 22.000ha diện tích mặt nước, lớn nhất Đông Nam Á, trở thành lợi thế, tiềm năng du lịch biển và đầm phá hiếm có nơi nào có được.
Hoàng hôn trên Đầm Chuồn, một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Hiện ngoài các đơn vị có chỗ đứng cách đây hàng chục năm, như Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Tâm, du lịch Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn Công đoàn (thuộc Liên đoàn lao động tỉnh), mới đây có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng.
Điển hình là khu du lịch Laguna Huế có tổng vốn đầu tư 875 triệu USD, được khởi công đầu tư xây dựng trên vùng vịnh Lăng Cô, do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư. Laguna Huế có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân golf cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, trên tổng diện tích khoảng 280ha.
Qua các kỳ Festival Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, ngắm mặt trời mọc từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội "Thuận An biển gọi," "Lăng Cô huyền thoại biển" để thu hút khách du lịch. Mới đây, Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khảo sát, xây dựng tour du lịch đầm phá Tam Giang để đưa vào khai thác. Phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An, thông với biển Đông có chiều dài 25 km, chiều rộng từ 0,5-4 km, diện tích mặt nước khoảng 52 km2; hệ thống đầm Thủy Tú, đầm Cầu Hai, đầm An Cư. Ở đây được xem như là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và làm giảm khả năng ngập úng cho vùng đồng bằng.
Phá Tam Giang còn có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển (tích tụ lắng đọng chất thải) để bảo vệ môi trường biển được trong sạch. Về nguồn tài nguyên để khai thác du lịch, ở đầm phá Tam Giang có vực nước, cồn cát chắn sát biển và các cửa biển. Cư dân vùng đầm phá, ven biển có nguồn gốc lâu đời với một bản sắc văn hóa đặc biệt - văn hóa của cư dân sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu).
Các lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước; một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn bình yên, có vụ mùa bội thu. Phải thấy rằng, vùng đầm phá có một vẻ đẹp riêng với vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát hùng vĩ chắn phía biển, các vùng cửa sông có chim cư trú. Liền kề đầm Cầu Hai, phá Tam Giang còn có núi, vườn Quốc Gia Bạch Mã, sông Hương thơ mộng và các bãi biển nổi tiếng tạo nên tuyến du lịch liên hoàn sông - đầm phá - biển - núi rất thú vị. Tất cả những yếu tố này là tiền đề để tổ chức nhiều loại hình du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là nhu cầu về du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về quy hoạch và phát triển du lịch ở Huế, cho đến bây giờ, nguồn tài nguyên ở đây vẫn chưa được khai thác và sử dụng đúng mức. Con người chỉ biết khai thác nó để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, nông nghiệp... mà chưa quan tâm đế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trên đầm phá ven biển.
Để phát triển du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên - Huế cần thực hiện tốt việc quy hoạch và lấy quy hoạch bảo tồn thiên nhiên tại các điểm dự định phát triển du lịch sinh thái làm mối quan tâm hàng đầu. Các khu bảo tồn thiên nhiên nên có quy hoạch, chỉ rõ phân vùng cho du lịch sinh thái, bảo tàng về các loài chim sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu thông tin về tất cả các loài chim hiện đang cư trú tại các sân chim trong khu vực đầm phá và các loài chim di cư theo mùa. Đặc biệt, có một số loài chim quý đã được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam hoặc trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu như: choắt chân màng lớn, nhạn bụng trắng, chìa vôi, chích đầu nhọn mày đen, sẻ đồng ngực vàng...
Khu trại giống và trại nuôi thuỷ sản là nơi dự trữ các nguồn giống tốt hỗ trợ phát triển kinh tế thuỷ sản của cộng đồng dân cư; đồng thời, là nơi tổ chức tham quan thực tế cho du khách tìm hiểu về các loài cá, tôm, cua trên đầm phá. Sân chim nước (ở các cửa sông Ô Lâu, Đầm Sam) cho du khách tận mắt nhìn thấy trên các bãi cỏ hoang là những đàn ngỗng trời, vịt trời, sâm cầm, vạc, cò...
Đối với thảm thực vật ngập mặn ven biển, điển hình Rú Chá vốn là rừng ngập mặn nguyên sinh diện tích còn lại khoảng 5 ha rất quý, nay đã được phục hồi và bảo vệ rất tốt nhờ vào ý thức cao của người dân. Hiện nay, đây là nơi cư trú thường xuyên của một số loài chim bản địa như diệc, vạc, cò, chim cu... thực vật chủ yếu là cây chá và một số loài cây ngập nước bản địa khác. Đối với các hoạt động và loại hình du lịch được tổ chức, nếu có thể kết hợp nhiều loại hình như: ngắm bình minh và hoàng hôn trên đầm phá; khám phá tìm hiểu các loài thuỷ hải sản, các loài chim trên đầm phá; chuyên đề tìm hiểu về các loài động thực vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học tập; tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề; tắm nắng, nghỉ biển và thể thao trên mặt nước; du lịch xe đạp địa hình trên cồn cát; tham quan các di tích lịch sử…
Ngoài ra, để hoàn thiện và đáp ứng cho một điểm đến của du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cần thiết phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái, các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch sinh thái; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng…
Tour du lịch biển và đầm phá từng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Hà Lan (IUCN-NL) tài trợ thông qua Quỹ dự án nhỏ về du lịch bền vững và đa dạng sinh học. Khởi hành từ Huế, du khách sẽ được tham quan đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa), di tích lịch sử cấp quốc gia hiện còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, sau đó đến thôn Ngư Mỹ Thạnh tham quan nhà trưng bày các loài sinh vật, xem trình diễn đan lưới, quy cách sử dụng các ngư lưới cụ trong đánh bắt.
Trong quá trình trải nghiệm, du khách có thể đi xe đạp đến thăm vườn rau, tham gia vào hoạt động chăm sóc cây cỏ và mua các sản vật rau, củ, quả ngay tại địa phương và vào làng Thủy Lập để tham gia hoạt động đan lát; chứng kiến các bước để hoàn thiện một sản phẩm mây tre đan hoặc tự tay thực hiện các kiểu đan đơn giản trước khi trở lại thôn Ngư Mỹ Thạnh. Sau khi thưởng thức ẩm thực địa phương và nghỉ trưa tại nhà cộng đồng thôn Ngư Mỹ Thạnh, du khách lại cùng nhau vượt phá Tam Giang sang xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tham quan khu lăng mộ, xem múa náp truyền thống do các thiếu nhi biểu diễn và tắm tại bãi biển thôn Tân Mỹ. Trước khi về Huế, du khách có thể ghé thăm làng nghề sản xuất các sản phẩm mây tre đan lát Bao La.
Khơi dậy tiềm năng du lịch biển và đầm phá ở Thừa Thiên - Huế đang là bước đi đúng hướng, góp phần thu hút du khách, làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch, vốn lâu nay chỉ bó hẹp trong khung cảnh lăng tẩm, đền đài và hệ thống di tích cố đô Huế. Điều đáng nói là du lịch biển, đầm phá là thế mạnh của Thừa Thiên - Huế nhưng mức độ đầu tư thấp; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển thiếu đồng bộ; hệ thống dịch vụ phục vụ khách tại các bãi tắm còn manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính mùa vụ.
Công tác xã hội hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu; một phần do quy mô doanh nghiệp trên địa bàn còn nhỏ, thiếu năng lực và kinh phí đầu tư vào các dịch vụ cao cấp. Mặt khác, thời gian qua, dù tỉnh đã kêu gọi nhưng còn ít nhà đầu tư có thương hiệu tham gia vào lĩnh vực lưu trú, giải trí, mua sắm, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ; thiếu các loại hình dịch vụ, điểm mua sắm, mặt hàng lưu niệm chất lượng cao.
Tuy nhiên, sau sự cố môi trường, du lịch biển hiện vẫn đang vắng khách. Ngay cả khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển miền Trung "đạt chuẩn" cho tắm và nuôi trồng thủy sản, các địa điểm du lịch biển nổi tiếng như Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang), Bình An, Lăng Cô, Cảnh Dương (Phú Lộc), Điền Hải (Phong Điền)… du khách về thăm quan, ngắm cảnh, tắm biển và thưởng thức hải sản không còn đông như trước, giảm sút đáng kể. Đi từ Thuận An về Phú Thuận, mặc cho các nhà hàng vẫn hoạt động bình thường, bãi biển sạch, xanh trong nhưng du khách vẫn lo ngại. Hầu hết du khách vào nhà hàng tự đích thân chọn những con cá còn sống, bơi trong bể để yêu cầu chế biến nhưng cũng ít hơn trước rất nhiều.
Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: Điều này có lẽ nguyên nhân do "hội chứng tâm lý", không dễ gì ngày một ngày hai khắc phục được ngay mà cần có thời gian để trải nghiệm, kiểm chứng.
Trước mắt, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh khuyến mãi kích cầu, các khu resort ven biển, đầm phá nên tổ chức những hoạt động ấn tượng để quảng bá, đồng thời phát triển các dịch vụ khác ngoài bám vào biển. Thay vì tắm biển, khách đi tham quan, ngắm biển, đầm phá rồi về lưu trú ở resort như ở khách sạn.
Các resort có thể xây dựng mức giá vừa phải và đồng bộ để phục vụ những đoàn khách tập thể; đồng thời, đa dạng hóa, đầu tư mạnh các dịch vụ, như các hạng mục trò chơi, có chính sách kích cầu hướng vào khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo. Huyện Phú Lộc đã quy hoạch, đầu tư thêm một số điểm du lịch, như: suối Mơ, suối Voi, hồ Truồi, đầm Cầu Hai. Một số doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng tour xe đạp theo lộ trình đón khách ở Huế, ngủ tại Lăng Cô, tham quan, tắm sông suối. Đây đều là các giải pháp trước mắt cho du lịch biển trong mùa hè này và cũng là cách để du lịch Thừa Thiên - Huế bù đắp những thiếu hụt lượng khách do sự cố môi trường biển, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch vươn tới hoàn thiện các sản phẩm tour, tuyến, tăng cường đầu tư cho du lịch biển trong tương lai...