Nhiều di tích bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng

Cập nhật: 13/09/2016
Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là một trong những trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, từ lâu nổi tiếng với những vùng biển, bãi tắm, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và truyền thống văn hóa - lễ hội. Thế nhưng, hiện nay nhiều di tích ở địa phương này đang bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng.
BR-VT có 49 di tích xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh trong tổng số 218 di tích đã được thống kê khoa học bước đầu, trong đó di tích cấp quốc gia đặc biệt có 1 di tích, cấp quốc gia có 29 di tích, cấp tỉnh có 19 di tích, 211 địa điểm di tích lễ hội di sản văn hóa phi vật thể, 177 ngôi nhà kiến trúc cổ dân gian truyền thống được thiết kế theo các kiểu chữ: nhất, nhị, đinh, công, xây dựng từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và nhiều làng nghề thủ công truyền thống.
 
Khảo sát di tích Trận địa pháo cổ.
 
Có thể nói hệ thống di tích BR-VT hội tụ khá đầy đủ về loại hình lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo lễ hội, thắng cảnh và truyền thống đấu tranh cách mạng chống ngoại xâm… phân bố tương đối đồng đều theo từng vùng lãnh thổ của tỉnh. Thế nhưng, hầu như toàn bộ hệ thống di tích này lại nằm trong “thước phim buồn” ảm đạm.
 
Hành trình ghi nhận của chúng tôi bắt đầu từ thành phố biển Vũng Tàu. Và đây cũng chính là nơi mà các di tích bị xâm hại nặng nhất. Được biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh BR-VT đã phân cấp cho TP Vũng Tàu quản lý 17 di tích, còn lại 2 di tích là Bạch Dinh và Trận địa pháo cổ Sao Mai (núi Lớn) thì do Bảo tàng tỉnh quản lý.
 
Trong số đó, có rất nhiều di tích như Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Sao Mai, Thích Ca Phật Đài, Linh Sơn Cổ Tự, Phước Lâm Tự… đang bị xâm hại, xuống cấp.
 
Hàng loạt quán cà phê mọc lên san sát phía dưới khu di tích. Thậm chí, vỉa hè được tận dụng làm nơi trông giữ xe máy, ôtô nên lối đi lên khu di tích này ngày càng bị thu hẹp. Từ Bãi Trước (TP Vũng Tàu) quan sát, khu di tích nằm lọt thỏm trong hàng trăm tấm tôn, bạt lụp xụp.
 
Đó chính là thực trạng của di tích Bạch Dinh – một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn núi Lớn của TP Vũng Tàu, nơi từng được dùng để nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại…
 
Di tích Thích Ca Phật Đài bị xâm hại và lấn chiếm.
 
Tương tự, di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá (gồm 4 khẩu pháo trên núi Nhỏ, được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1994) chỉ có tên trên giấy, còn thực tế gần như bị xóa sổ, bởi di tích này đã bị các công trình xây dựng dân dụng che khuất. Các khẩu pháo đều bị “mắc kẹt” giữa các công trình dân dụng. Người dân và du khách muốn tiếp cận di tích này phải nhờ người quen chỉ đường, đi nhờ qua nhà dân hoặc Tịnh Xá Ngọc Bích...
 
Khu di tích Thích Ca Phật Đài được đánh giá là một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng nổi tiếng ở TP Vũng Tàu, nổi bật với bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền. Khuôn viên nơi đây rộng chừng 5ha, bao gồm một quần thể các chùa và tượng Phật. Vào các dịp lễ, Tết, khu di tích đón một lượng khách du lịch, tham quan rất lớn.
 
Tuy nhiên, ngay tại cổng, nhiều hàng quán mọc lên, các hộ kinh doanh vào hẳn trong khuôn viên để kinh doanh buôn bán. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã lấn chiếm đất di tích để xây dựng nhà ở, hình thành những xóm tạm bợ.
 
Ngoài ra, hàng chục khu di tích khác ở TP Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, xả rác bừa bãi. Một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo như di tích lịch sử cách mạng tại số 86 Phan Chu Trinh, di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh tại số 1 Ba Cu…
 
Từ Vũng Tàu ngược trở lại với các địa phương như huyện Châu Đức, huyện Tân Thành, TP Bà Rịa, hàng loạt các di tích cũng trong tình trạng không khá hơn là mấy. Riêng địa đạo Hắc Dịch, huyện Tân Thành, công tác trùng tu, phục hồi gặp nhiều khó khăn bởi lẽ toàn bộ đường hầm dưới địa đạo đã bị đất phủ, miệng hầm bị bịt kín.
 
Theo ông Trần Anh Thiện, Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh BR-VT, nguyên nhân một số di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng vì lý do thiếu kinh phí trùng tu, tu bổ kể cả kinh phí của Trung ương và địa phương, đa số di tích vẫn đơn lẻ, thiếu tính quy mô, chưa có chương trình tour tuyến tham quan nào xâu chuỗi theo hệ thống, lượng khách tham quan giảm về số lượng kể cả du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là khách quốc tế.
 
Loại hình di tích lịch sử văn hóa mang yếu tố tín ngưỡng và lễ hội, chủ yếu vẫn là khách nội địa, chưa có sự hướng dẫn và quảng bá giới thiệu.
 
Theo Hải Âu
Nguồn: CAND