Bão số 4 đi qua, phố cổ Hội An (Quảng Nam) không thiệt hại về người vì cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Hoạt động du lịch đã trở lại bình thường. Thế nhưng biển Cửa Đại đã bị sóng to, gió lớn làm xói lở nghiêm trọng...
Biển Cửa Đại (Hội An) sau bão số 4 bị xói lở nghiêm trọng.
Người dân lo lắng, du khách tiếc nuối
Do ảnh hưởng của bão số 4, cộng thêm triều cường dâng cao vào ban đêm, sóng lớn đã gây xói lở nghiêm trọng bãi biển Cửa Đại. Theo quan sát của chúng tôi, điểm sạt lở kéo dài hơn 700m theo hướng Tây Bắc, đoạn giáp ranh giữa phường Cửa Đại và Cẩm An. Nhiều đoạn bị biển xâm thực vào đất liền 20m, sâu 2m, nặng nhất là đoạn cuối Cửa Đại.
Bà Nguyễn Thị Chiên (khối phố Tân Mỹ, phường Cẩm An), chủ một nhà hàng vừa bị sập do bão số 4 gây ra tỏ ra hoang mang, lo lắng: “Đê, kè sạt lở, biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Mấy năm nay gia đình tôi luôn sống trong sợ hãi. Nếu biển cứ tiếp tục ăn sâu vào đất liền thì gia đình tôi không biết phải sinh sống ra sao nữa!”.
Nhìn vào bãi biển tan hoang đang được kè che chắn sóng, nhiều người chỉ còn biết thở dài tiếc cho một bãi biển đẹp. Không chỉ có những người dân tại phố cổ Hội An mới tiếc nuối nguồn tài nguyên này mà du khách phương xa cũng đồng cảm. Bà Kiscinn đến từ Tenmark (Đan Mạch) thổ lộ: “Sống và làm việc ở Hội An đã gần 4 năm nay, thật sự tôi không muốn tiếp tục chứng kiến một bãi biển đẹp như thế này dần bị xâm thực”.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, bờ biển Hội An bị lấn sâu vào khoảng 160m. Gần đây nhất, từ đầu tháng 1-2016, sạt lở cách tuyến đường giao thông nối phố cổ Hội An hơn 200m và tiến rất gần đến các nhà hàng, khách sạn của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều công trình hạ tầng, các dự án du lịch và đời sống nhân dân trong khu vực.
Cấp bách chống sạt lở
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TP Hội An đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ cùng nhân dân đến hỗ trợ chủ nhà hàng kinh doanh đóng cọc để kè cứng, dùng bao tải cát và nhiều vật liệu khác kè tạm khẩn cấp bờ biển…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: Vấn đề ứng cứu bờ biển Cửa Đại lâu nay luôn được Trung ương, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, mỗi đợt gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, sạt lở lại tiếp tục xảy ra. Tình trạng này kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Tháng 11-2015, thành phố đã tiến hành xử lý khẩn cấp 1,3km bờ biển Cửa Đại với hình thức làm đê chắn sóng và tạo bãi biển với sự hỗ trợ 40 tỷ đồng từ trên. Cuối tháng 3-2016, đoạn từ khách sạn Victoria đến dãy nhà hàng được làm đê phá sóng ở bên ngoài cách bờ từ 60 đến 80m đã hoàn thành. Đến nay, hiệu quả của quá trình gia cố những đoạn trên đã được phát huy. Tuy nhiên, những đoạn còn lại chưa làm tiếp tục bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 4.
Sau bão số 4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia tư vấn kè biển của Nippon Koei Co. LTD Nhật Bản do ông Susumu Onaka, Tổng giám đốc, cùng lãnh đạo TP Hội An đã đi thị sát, tìm phương án khắc phục tình trạng sạt lở tại bãi biển Cửa Đại với giải pháp trước mắt là kè cứng những đoạn sạt lở.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính tạm thời, vấn đề là tìm cách bảo vệ và giữ gìn bãi biển du lịch một cách lâu dài, bền vững. Đó là một trong những khó khăn lớn của Hội An. Những ngày tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đóng cọc tre, gia cố tạm những đoạn sạt lở để tiến hành kè chống sạt lở trong thời gian sớm nhất.
Có thể nói, Hội An đã được thiên nhiên ưu ái cho một bờ biển đẹp và thơ mộng, nhưng mỗi mùa mưa bão, biển xâm thực, tình trạng sạt lở lại ngày càng nghiêm trọng. Hy vọng biện pháp “kè mềm biển Cửa Đại bằng bao tải địa kỹ thuật Geo Bagde” sẽ cứu được bãi biển này.
KIM NGÂN