Trong 2 ngày 20 và 21-10-2016, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Các loại hình du lịch hiện đại” do trường phối hợp với Trường Đại học Charles De Gaulle - Lille 3 (Pháp).
Hình ảnh pa-nô quảng bá trên trục đường vòng xoay cầu An Thuận - TP. Bến Tre. Ảnh: TTXTDL
Đây là một sự kiện học thuật có tính kết nối cao khi có sự tham gia của các thành viên trong ban tổ chức và các tác giả của Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú” đến từ Bến Tre.
Hội thảo đã ghi nhận một điểm nhấn của du lịch Bến Tre với bài “Phát triển du lịch làng nghề tỉnh Bến Tre (nghiên cứu nghề nấu rượu Phú Lễ huyện Ba Tri” của TS. Mai Mỹ Duyên (Đại học Trà Vinh) và ThS. Bùi Hữu Nghĩa đến từ Ba Tri. Từ diễn đàn khoa học quốc tế quan trọng này, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân du lịch trong nước và quốc tế dự hội thảo được giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về làng nghề nấu rượu Phú Lễ nổi tiếng ở Bến Tre. Phú Lễ đại diện cho Bến Tre trở thành một điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề, du lịch cấp địa phương tiêu biểu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên lề hội thảo, các đại diện đến từ Trường Cao đẳng Bến Tre, các tác giả, nhà nghiên cứu của Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bến Tre cùng các đồng hương Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh đã có cơ hội chia sẻ thông tin, kết nối, xúc tiến nghiên cứu, hợp tác phát triển du lịch Bến Tre với các đại biểu trong và ngoài nước với các ý tưởng lớn gắn kết văn hóa - làng nghề, di sản lịch sử với du lịch… như vấn đề nghiên cứu phát triển du lịch ở “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn với điểm nhấn nhà bác học Trương Vĩnh Ký; du lịch sinh thái và du lịch biển Bình Đại với điểm nhấn Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; du lịch biển với điểm nhấn di sản du lịch làng nghề Ba Tri… Đây là những ý tưởng đã được các chuyên gia của Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú” gợi mở ngay sau khi kết thúc hội thảo này.
Quan tâm đến xứ Dừa Bến Tre, GS. Serge Mantienne đến từ Pháp đã trao đổi riêng với nhà trường về định hướng khai thác du lịch Bến Tre phải đặc biệt quan tâm đến cây dừa…
Điều đáng ghi nhận là các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Charles De Gaulle Lille 3 bước đầu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nghiên cứu phát triển du lịch ở vương quốc cây kiểng Cái Mơn với điểm nhấn nhà bác học Trương Vĩnh Ký; các chuyên gia từ Pháp đã thông báo dự kiến đầu năm 2017 sẽ có chuyến làm việc chính thức tại tỉnh Bến Tre về vấn đề này. GS. Chung Hoàng Chương - Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) cũng thông báo trong tháng 11 tới đây sẽ có chuyến thực địa tìm hướng phát triển du lịch Thạnh Phú qua một dự án kết nối 2 dòng sông Cổ Chiên và Hàm Luông. Đây là một tín hiệu vui cho du lịch Bến Tre sau khi tỉnh tổ chức thành công Hội thảo “Du lịch biển góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú”.
* Thời gian qua, công tác quảng bá trực quan thương hiệu “Du lịch sinh thái - sông nước xứ Dừa” trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bến Tre thực hiện thường xuyên như: in bản đồ du lịch, làm ấn phẩm cẩm nang du lịch, sách hướng dẫn du lịch, tập gấp Thông tin cần biết về du lịch Bến Tre, sách Địa chỉ du lịch Bến Tre, đĩa DVD Du lịch xứ Dừa 10 tập và đĩa DVD 25 phút. Tất cả đều có từ hai, ba ngôn ngữ để giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, hội thảo, hội nghị, các ngày hội du lịch trên cả nước.
Thời gian tới, Trung tâm dự kiến lắp đặt 20 bảng pa-nô 3x6m trên các trục đường chính tại địa bàn thành phố và một số huyện mạnh về du lịch nhằm góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà từ nay đến năm 2020.
K.Kỳ - L.Luông