Sức bật cho du lịch biển đảo

Cập nhật: 02/11/2016
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đang khai thác, dùng sẵn những gì thiên nhiên ban tặng mà chưa biết cách khai thác, tạo sức bật cho “ngành công nghiệp không khói” giàu sức hút như du lịch biển, đảo. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho thấy, loại hình này đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch. Ước tính, đến năm 2020, tổng thu từ du lịch biển đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, thu hút trên 22 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan.
Cù lao Chàm (Quảng Nam) đang là điểm đến lý tưởng của du khách. Ảnh: HỒNG MINH
 
Đa dạng sinh kế
 
Chia sẻ về cách làm du lịch biển đảo gắn với sinh kế của người dân, anh Nguyễn Khôi Nguyên, chủ một công ty chuyên về du lịch biển đảo tại TPHCM đánh giá, hoạt động du lịch tại Cù lao Chàm (Quảng Nam) được nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đánh giá cao. Anh Nguyên dẫn chứng, từ năm 2004 đến nay, lượt khách tham quan Cù lao Chàm đã tăng từ vài ngàn lên hàng trăm ngàn lượt/năm; thu nhập mang về cho mỗi hộ kinh doanh du lịch địa phương từ 22-30 triệu đồng/năm. Để có được điều này, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực “khơi thông” tiềm năng Cù lao Chàm, bằng cách bảo tồn sinh thái (san hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển…) thông qua phát triển du lịch. Trong đó, người dân đóng vai trò quan trọng, góp phần vào việc tôn tạo, giữ gìn giá trị, vẻ đẹp của Cù lao Chàm… Nhiều bà con tập trung khai thác, mở rộng du lịch homestay, tàu chuyên chở khách, nhà hàng. “Bà con khai thác du lịch dân dã, rất tự nhiên nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp. Được thưởng thức hải sản tươi sống như ốc vú nàng, tôm hùm… do bà con đánh bắt, khách du lịch cảm thấy rất hào hứng”, anh Nguyên tâm đắc.
 
Thạc sĩ Ngô Hoàng Đại Long, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, nhìn nhận, nguồn lợi chỉ có thể được quản lý hiệu quả khi đời sống của người dân hải đảo được ổn định và nâng cao. Do đó, đa dạng sinh kế đóng vai trò quan trọng nhằm từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đánh bắt xa bờ thông qua các sinh kế phù hợp để tăng thu nhập, tăng sự ổn định và giảm rủi ro tới đa dạng địa sinh học tài nguyên biển. Khi được tham gia vào hoạt động kinh tế, được chia sẻ quyền lợi từ nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn nơi mình sinh sống, người dân địa phương sẽ thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình. Họ sẽ nâng cao ý thức giữ gìn, khả năng phát huy những giá trị mà họ đang làm chủ để được cùng hưởng lợi và bảo tồn nguồn lợi đó phát triển bền vững. Để minh chứng rõ hơn, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, thông tin, từng có thời kỳ các khu kinh doanh “ôm” biển Bà Rịa - Vùng Tàu bị người dân địa phương phản ứng gay gắt, vì họ thất thu từ du khách. Sớm nhận ra bất cập, địa phương nhanh chóng quy hoạch khu chợ đêm dành riêng cho người dân địa phương chuyên bán hàng đặc sản, sản phẩm lưu niệm… phục vụ khách.
 
Chiến lược quản lý, đầu tư
 
Theo ông Lê Đình Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, để tạo sức bật cho du lịch biển, đảo Việt Nam rất cần chiến lược quản lý, đầu tư thích hợp. Lộ trình đặt ra cho quá trình phát triển cần có tầm nhìn dài hạn, vài chục năm. Hơn nữa, người làm du lịch phải có tâm và có tầm để hướng đến khai thác du lịch một cách ổn định, bền vững. Bổ sung nhận định này, TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, cho biết, trong xu hướng chung hiện nay, việc khai thác du lịch đại trà, hướng đến sự tiêu thụ dễ dãi có nguy cơ tàn phá tài nguyên, môi trường du lịch. Các loại hình du lịch mới, hiện đại đang hướng tới phát triển du lịch bền vững, trân trọng yếu tố tri thức, nhân văn. Việc khai thác, phát triển để nâng tầm du lịch biển đảo của Việt Nam không nằm ngoài quy luật này, tức là song song với yếu tố khai thác luôn đi kèm với việc bảo tồn, đa dạng sinh học. Đây cũng là hướng đi tích cực, hiệu quả.
 
Dưới lăng kính du lịch của một bạn trẻ, Nguyễn Ngọc Thiên Vương (du học sinh Vương quốc Anh, ngụ quận 1, TPHCM), đã có một số so sánh thú vị giữa du lịch biển đảo nước ta với quốc gia láng giềng Thái Lan. Chẳng hạn, một số đảo như Côn Đảo, Phú Quốc của Việt Nam khá hoang sơ với hàng loạt bãi biển đẹp, nhưng ít nơi để vui chơi, giải trí. Tới Côn Đảo, khách muốn mua một vài món quà lưu niệm thì cũng chỉ quay đi quẩn lại nào hải sản, hoặc một vài món trang trí kém phong phú, đa dạng. Còn tại Thái Lan, Koh Tao và Koh Samui khá nổi tiếng, vẻ đẹp ngang ngửa hai đảo trên của nước ta nhưng nước bạn biết cách “móc hầu bao” của du khách một cách triệt để. Khách có thể tha hồ mua sắm, vui chơi ở đại siêu thị BigC hoặc Central World… ở Koh Samui; hoặc ghé các phòng tập, yoga, mát xa… ở Koh Tao mặc dù diện tích nơi này chỉ bằng 1/3 Côn Đảo.
 
Rõ ràng, để tăng tốc du lịch biển đảo, nước ta rất cần kế hoạch bài bản, dài hơi. Việc học hỏi cách khai thác, làm du lịch của những nước lân cận Việt Nam là điều cần làm. Mãi khai thác những gì có sẵn mà thiên nhiên ban tặng theo kiểu tích cực hưởng thụ nhưng thiếu sáng tạo sẽ nhanh chóng làm nghèo thiên nhiên, kiệt quệ nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng chất lượng dịch vụ, trong đó tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch là điều quan trọng, cần triển khai ngay.
 
GIA HÂN
Nguồn: SGGP