Du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng: điểm nhấn của huyện Cái Bè

Cập nhật: 08/12/2016
Nằm ở tả ngạn sông Tiền, mảnh đất trù phú Cái Bè không chỉ được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với trên 16.000 ha vườn cây ăn trái trĩu quả, còn được biết đến như một thiên đường của du lịch sinh thái. Hàng năm, Cái Bè thu hút hơn 100.000 lượt khách du lịch, trong đó hơn 70% là khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Du khách nước ngoài tham quan Làng nghề bánh tráng, bánh phồng Cái Bè. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
 
Theo UBND huyện Cái Bè, từ đầu năm đến nay đã có gần 150.000 khách quốc tế và nội địa đến tham quan du lịch, trong đó khách nước ngoài chiếm 70%. Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của làng cổ và làng nghề truyền thống, huyện Cái Bè đã và đang kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp tục phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng.
 
Trong lần khảo sát các điểm nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện, ông Phạm Trung Thành, Chánh Văn phòng Huyện ủy Cái Bè cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Cái Bè lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 về chiến lược phát triển du lịch của huyện, UBND huyện đã thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025 gắn với Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm và chỉ đạo sát sao các ngành hữu quan của địa phương trong việc định hướng, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư mô hình tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp.
 
Chủ trương trên đã và đang trở thành hiện thực thể hiện bằng những khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp với cảnh quan, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn “sao” dọc sông Tiền đã được xây dựng và đang được đưa vào khai thác. Đó là khu resort Mekong Riverside với tổng vốn đầu tư hơn 62 tỷ đồng có diện tích 7,2 ha với 34 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao; resort có hồ bơi, nhà hàng, spa… Một khu nghỉ dưỡng khác là resort Mekong Lodge với diện tích 1 ha được xây dựng theo mô hình sinh hoạt đậm nét văn minh miệt vườn từ những căn nhà lợp lá đến vườn rau, mương cá nuôi phục vụ khách…
 
Đặc biệt, trong các căn phòng đều sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường từ các sản phẩm tiểu thủ công như ghế, bàn, thảm được làm từ lục bình, bẹ chuối. Được biết, cho đến nay, đây có thể được xem là một trong những khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Anh Nguyễn Thanh Tuyền, quản lý khu resort Mekong Lodge cho biết, mỗi đêm cơ sở này có thể phục vụ 58 khách với đối tượng chủ yếu là khách quốc tế…
 
Về kế hoạch khai thác, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè trao đổi: Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025, địa phương đã định hướng về đầu tư phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng giai đoạn, tập trung vào các khu vực có thế mạnh theo quan điểm huy động bằng nhiều nguồn lực, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư bằng nguồn lực xã hội hóa. UBND huyện Cái Bè hiện đang kêu gọi đầu tư 18 dự án với tổng số vốn hơn 408 tỷ đồng. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư được tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế; đầu tư các sản phẩm du lịch chủ yếu; phát triển cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ du lịch; phương tiện phục vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch…
 
Không gian ở resort Mekong Lodge.
 
Đặc biệt, huyện đang tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư 2 dự án là: Dự án công viên trái cây có diện tích 16 ha (UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư để đẩy mạnh phát triển du lịch), Dự án xây dựng bờ kè sông Tiền ngay tại trung tâm thị trấn Cái Bè và xây dựng bến tàu để tổ chức tiếp nhận khách tham quan.
 
Theo thông tin từ UBND huyện, công trình bờ kè khu du lịch sông nước Xẻo Mây và công viên trái cây đã được khởi công từ ngày 20-10 đến nay và các hạng mục đang được thi công khẩn trương. Nhằm đảm bảo không xáo trộn lịch trình tour, tuyến của các công ty cũng như việc quản lý chặt chẽ, triệt để về an ninh trật tự của du khách (nhất là khách quốc tế), Huyện ủy Cái Bè chỉ đạo Văn phòng Huyện ủy và Ban quản lý các dự án đầu tư & xây dựng huyện triển khai việc xây dựng cây cầu nối từ cây cầu cũ dài ra phía bờ kè sông Cái Bè (nhánh sông Tiền). Phương án xây dựng cầu dẫn từ cầu tàu mới trở vào là thuê cầu thép không gỉ có mặt rộng 2,4 m, tải trọng 3,5 tấn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
 
Trên địa bàn huyện hiện có 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh tại đây để phục vụ du khách đến Cái Bè tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%, cho thấy tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác tốt và bền vững thế mạnh này, huyện Cái Bè còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần một giải pháp căn cơ, đồng bộ để phát triển hạ tầng du lịch và gia tăng kết nối giữa các sản phẩm du lịch.
 
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Xác định rõ vai trò của du lịch Cái Bè trong tỉnh Tiền Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo huyện đã vạch ra kế hoạch kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của toàn ngành Du lịch. Từ việc khai thác các tiềm năng và cảnh quan thiên nhiên, ngành Du lịch huyện Cái Bè đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân địa phương”.
 
HỮU CHÍ
Nguồn: vfpress.vn