(TITC) – Nằm cách TP. Sơn La khoảng 80km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La (Sơn La).
Bản làng Ngọc Chiến trong nắng sớm
Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa của Tây Bắc, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khiến cỏ cây tươi tốt, tràn đầy nhựa sống. Đến với Ngọc Chiến, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn làm từ gỗ pơ mu theo lối kiến trúc truyền thống của người dân tộc Thái, được ngâm mình trong dòng nước suối khoáng nóng giữa không gian núi rừng. Tối đến, trên nếp nhà sàn, du khách có thể thưởng thức những món ăn hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo, cùng ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những sơn nữ…
Xã Ngọc Chiến có 29 bản, chủ yếu là dân tộc Mông và Thái sinh sống. Các phong tục tập quán, nét sinh hoạt đời thường của các dân tộc nơi đây thực sự là những nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. Tại đây, một số lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa tín ngưỡng của dân tộc được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách như Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ hội cúng vía trâu của dân tộc Thái…
Nụ cười thân thiện của mỗi người dân khi gặp đều làm cho du khách thấy gần gũi, yêu mến. Một điều đặc biệt ở Ngọc Chiến là suối nước nóng ở đây ào ạt chảy quanh năm, là nơi tắm gội tập trung của đồng bào trong bản. Nhiều người nói rằng, các cô gái ở đây đẹp vì mỗi ngày họ đều tắm gội ở những mỏ nước nóng chảy qua bản.
Những nếp nhà bình yên nằm ẩn mình giữa núi rừng đại ngàn
Tiềm năng du lịch ở Ngọc Chiến là lợi thế để người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Điều này không những góp phần nâng cao đời sống mà còn tạo nền tảng vững chắc để người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La có chủ trương xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân. Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mỏ nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…
Tuy vậy, du lịch Ngọc Chiến vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng vốn có. Mới đây, Sở VHTTDL Sơn La đã tổ chức đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp du lịch 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng một số đơn vị báo chí, truyền thông khảo sát sản phẩm du lịch tại xã Ngọc Chiến.
Hơi nước từ những bể khoáng nóng bốc lên trong ánh nắng sớm mai
Trong buổi hội thảo phát triển du lịch Ngọc Chiến có sự tham gia của lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Sơn La, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh… Đại diện các đơn vị doanh nghiệp du lịch đều đánh giá cao tiềm năng du lịch mà Ngọc Chiến sở hữu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để Ngọc Chiến phát triển mạnh hơn nữa cần phải có sự hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại bản cách thức làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt quan tâm tới xây dựng nhà vệ sinh, vệ sinh bản làng sạch sẽ và quy hoạch khu chăn nuôi hợp lý. Để làm du lịch cộng đồng thành công, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc nhà cổ, phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt của người dân địa phương. Khai thác nguồn khoáng nóng theo hướng nguyên sơ, tránh bê tông hóa quá nhiều các bể tắm; Cần phát triển thêm các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thành sản phẩm du lịch tạo ra sự đa dạng trong loại hình sản phẩm. Cần có quy hoạch, định hướng cụ thể, tránh gây ảnh hưởng và mất đi văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương…
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La Nguyễn Như Cầu phát biểu tại hội thảo
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp du lịch, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La Nguyễn Như Cầu đánh giá, du lịch Ngọc Chiến nói riêng và huyện Mường La nói chung có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển du lịch của tỉnh Sơn La. Ngoài ý nghĩa phát triển kinh tế, phát triển du lịch ở đây còn góp phần rất quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên cũng như truyền thống văn hóa dân tộc; tạo việc làm và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư thông qua thu hút người dân bản địa vào hoạt động du lịch. Tỉnh xác định phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hướng đi cốt lõi của du lịch địa phương…
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La nhấn mạnh, yếu tố cơ bản của du lịch cộng đồng là bảo tồn nguyên trạng cảnh quan, nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Để phát triển và bảo tồn luôn đồng hành cùng nhau, để người làm du lịch và người không làm du lịch đều được hưởng lợi từ phát triển du lịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng cộng đồng cư dân địa phương.
Đông đảo các doanh nghiệp du lịch đã tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo
Hi vọng, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ kết nối với các dịch vụ địa phương giúp đưa được nhiều hơn nữa khách du lịch đến với khu du lịch cộng đồng Ngọc Chiến. Đồng thời giúp người dân ở đây hiểu và làm du lịch một cách bền vững, giúp cho du lịch Ngọc Chiến ngày một phát triển và bảo tồn được các giá trị truyền thống đặc sắc vốn có.
Tin, ảnh: Hương Lê