Giữa bốn bề sông nước hữu tình, một khu sinh thái gồm hơn 300 loài tre luồng trên khắp thế giới sẽ được trồng theo quy hoạch. Những công trình kiến trúc độc đáo bằng tre luồng, khu hội họp, vui chơi, nghỉ dưỡng cũng được xây dựng thấp thoáng dưới tán rừng đang mang theo kỳ vọng về một khu du lịch xanh gắn với bảo tồn các loài tre luồng.
Phối cảnh Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam
Vừa qua, lãnh đạo Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã làm việc với chính quyền huyện Thường Xuân để chuẩn bị triển khai xây dựng Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam tại bãi Đoàn giữa sông Chu, thuộc xã Thọ Thanh (Thường Xuân). Hai bên đã thống nhất các phương án giải phóng mặt bằng, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để biến bãi bồi hơn 50 ha này thành “bảo tàng tre luồng” tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á với hơn 300 loài tre luồng dự định sẽ được trồng tại đây. Việc khởi công xây dựng dự kiến sẽ được triển khai vào đầu năm 2017, sau một năm sẽ hoàn thành một phần dự án và có thể đón khách. Sau 2 năm xây dựng, dự án công viên sinh thái tre luồng này sẽ hoàn thành. Hiện tại, toàn bộ 288 hộ dân có đất canh tác tại bãi Đoàn đã đồng ý phương án nhận bồi thường để nhường đất cho xây dựng dự án.
Toàn bộ phối cảnh, thiết kế tổng thể dự án đã được chủ đầu tư là Công ty CP Mía đường Lam Sơn thuê một công ty kiến trúc chuyên về tre luồng nước ngoài và Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa (chuyên thiết kế các công trình kiến trúc xanh) thiết kế. Hình ảnh những công trình với kiến trúc uốn cong, lạ mắt; những ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng nằm giữa không gian xanh; một số ao hồ nhỏ thông thủy với dòng nước sông Chu; vài chiếc cầu cong hình yên ngựa... tại phối cảnh của dự án đã gây ấn tượng mạnh với chúng tôi. Dự án được đánh giá cao, bởi Thanh Hóa chính là thủ phủ tre luồng của Việt Nam, chiếm khoảng 50% diện tích luồng của cả nước. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở miền núi Thanh Hóa luôn gắn bó với cây luồng, sống nhờ luồng. Những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, những làng nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu tre luồng đang trở thành hướng thoát nghèo và làm giàu cho nhiều vùng quê trong tỉnh. Việc hình thành công viên văn hóa để bảo tồn, tôn vinh tre luồng là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thiết thực.
Vị trí xây dựng Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam cũng được xem là đắc địa cho phát triển du lịch bởi chỉ cách Cảng Hàng không Thọ Xuân chừng 10 phút đi ô tô, cách đường Hồ Chí Minh chưa đầy 10 km... Theo Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn “Ngoài ý nghĩa văn hóa - xã hội, môi trường, mục tiêu của dự án còn hướng đến hình thành một điểm du lịch gắn với khu hội họp, vui chơi, nghỉ dưỡng. Đối tượng khách hướng đến không chỉ trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc mà còn là lượng khách tiềm năng lớn từ TP Hồ Chí Minh qua đường hàng không”. Khi hoàn thành và đi vào sử dụng, dự án sẽ đóng vai trò gắn kết với các điểm du lịch ở miền Tây Thanh Hóa, trong đó có hồ Cửa Đạt, núi Pù Mé (địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai lịch sử), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh... Ngay trong lòng công viên này, một làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre luồng để phục vụ tham quan và bán sản phẩm cho du khách sẽ được xây dựng. Huyện Thường Xuân đã đề xuất đưa làng nghề đan lát Thanh Long của xã Thọ Thanh vào đây để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Nói về dự án này, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đánh giá cao việc đồng ý chủ trương của các ngành liên quan và UBND tỉnh cũng như sự nỗ lực của chủ đầu tư là Công ty CP Mía đường Lam Sơn. “Chính quyền và nhân dân Thường Xuân đang kỳ vọng về một điểm du lịch – văn hóa – công viên bảo tồn tre luồng – khu hội nghị - nghỉ dưỡng sẽ hiện hữu trong tương lai không xa. Đây là điều kiện tốt để biến quỹ đất nông nghiệp đơn thuần thành đất sinh lời, tạo diện mạo mới cho huyện, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương” – ông Xuân cho biết thêm.