Bí ẩn rừng đỗ quyên Aruung

Cập nhật: 19/01/2017
Một cung đường băng qua đại ngàn nguyên sơ. Một cánh rừng đỗ quyên độc nhất ở vùng tây xứ Quảng trên đỉnh Aruung. Một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của đồng bào Cơ Tu. Đó chắc hẳn sẽ là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn cho những tâm hồn ưa khám phá.

Tây Giang đang là một cái tên hấp dẫn trên bản đồ du lịch của xứ Quảng, với hàng loạt địa chỉ đủ để kích thích những tâm hồn thích phiêu lưu. Bản làng vùng cao của người Cơ Tu, nơi lưu giữ nhiều tập tục độc đáo, ẩm thực phong phú của đồng bào cùng cảnh sắc ban sơ nơi núi rừng không còn quá xa lạ với nhiều người. Thế nhưng, cánh rừng đỗ quyên Aruung, nơi vừa được phát hiện vào giữa năm 2016, ắt hẳn là một cái tên mới lạ đối với nhiều người. Sự xuất hiện của loài đỗ quyên, vốn là “đặc sản” của Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng)… giữa cánh rừng nguyên sinh ở vùng cao Tây Giang là một bất ngờ. Ngay cả người dân bản địa cũng ít khi đặt chân đến cánh rừng này.
 
Rừng đỗ quyên xanh thắm trên đỉnh Aruung. Ảnh: Đình Hiệp
 
Ở vùng cao, rừng như ngôi nhà chung của đồng bào. Từ ngôi làng Abanh 2, có thể nhìn thấy đỉnh Aruung, nhưng đến được đó là cả một hành trình xuyên rừng suốt vài tiếng đồng hồ. Cảnh sắc tự nhiên như chưa từng lưu dấu chân người, những ngọn thác ầm ào chảy phía núi như thu ngắn lại quãng đường băng bộ. Chỉ một số ít người dân địa phương đã từng đến đây, và chính họ sẽ là người dẫn đường dày dạn kinh nghiệm. Bởi, chưa hề có một con đường “chính thức” nào để đi đến Aruung, ngoài trí nhớ của người bản địa. Nơi này có độ cao hơn 2.000m với khí hậu lạnh đặc thù, hàng trăm gốc đỗ quyên cổ thụ mọc thành rừng. Vì thế ngay cả trong những ngày hè, đỉnh Aruung vẫn dịu mát. Cư dân bản địa đặt cho khu rừng: k’coong abhuy (rừng ma).
 
Già làng Riah Danh (thôn Abanh 2) kể, ngày xưa, khi vào rừng săn con nai, con mang, dân làng cũng kiêng dè không dám vào “rừng ma”. Cũng chính vì đây là nơi duy nhất có loài cây này, mà trong tiếng Cơ Tu không có tên gọi cho loài đỗ quyên. Cây đỗ quyên mọc dày, cứ đến độ tháng ba, tháng tư hoa lại nở đỏ rực cả một vùng. Còn có thông 5 lá, một số loài cây đặc hữu xứ lạnh. Và rêu. Rêu ở khắp nơi, từ tầng lá mục dày dưới chân, từ gốc cây đỗ quyên đến tận những cành đỗ quyên mỏng manh vươn về phía nắng. Rêu làm cho khu rừng thêm kỳ bí, và cũng chính màu xanh của rêu tạo ra vẻ đẹp kỳ dị, riêng có cho cánh rừng này. Từ giữa rừng đỗ quyên, có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cả một vùng đại ngàn rộng lớn, với các bản làng lẩn khuất giữa thung lũng trong những ngày nắng đẹp. Một góc nhìn không thể tuyệt vời hơn cho những “phượt thủ”. Khuyến cáo duy nhất cho hành trình, là phải chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang xuyên rừng, bao gồm thức ăn, nước uống và giữ ấm cho cơ thể, khi nhiệt độ ở nơi này luôn xuống rất thấp.
 
Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang - cho hay, sự kỳ thú của rừng đỗ quyên đang mở ra nhiều cơ hội cho du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở vùng cao. “Cùng với rừng pơmu cổ thụ vừa được công nhận là rừng cây di sản, cánh rừng đỗ quyên ở Aruung sẽ là một địa chỉ mới cho du lịch Tây Giang trong tương lai. Đây là cánh rừng đẹp nhất ở Quảng Nam, gắn với loài cây độc đáo hiếm có. Việc phát hiện cánh rừng này cũng mở ra định hướng mới cho địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch sinh thái những năm sắp đến” - ông Liếc nhấn mạnh.  
 
Thêm một “địa chỉ xanh” về du lịch cho những trái tim thích khám phá. Không cần chờ đợi một tour du lịch bài bản trong tương lai, vì ngay bây giờ, chính bạn cũng có thể đặt chân đến nơi này, khi vẻ đẹp ban sơ của rừng đỗ quyên đang từng ngày chờ đón…

 

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC
Nguồn: baoquangnam.vn