Tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị tiền đề, nền tảng thiết yếu để nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh nơi vừa được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng vườn quốc gia này trở thành khu dự trữ carbon lớn, bảo vệ hệ sinh thái xa hơn nữa là tạo điểm du lịch sinh thái cộng đồng lý tưởng của vùng, là điểm dừng chân trên con đường lữ hành từ Thái Lan về Việt Nam.
Khu bảo tồn Sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước CHDCND Lào, với diện tích gồm 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm. Riêng khu khu vùng lõm được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt với 75.373ha và khu phục hồi sinh thái với 17.512ha. Nơi đây có 831 loài thực vật bậc cao đã được ghi nhận qua các đợt khảo sát năm 1997 và 1999. Trong số đó có 23 loài hữu dụng, 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá… Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và hiếm như hổ, báo, voi, voọc cá chân nâu, voọc cá chân xám…
Thác Grăng thu hút đông khách du lịch, là một phần của khu bảo tồn Sông Thanh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đến khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng thác Grăng, cầu Thác Nước và những cảnh đẹp nên thơ nằm dọc trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, hoặc đi tìm và khám phá những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc ít người.
Vài năm gần đây, tại khu vực này, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép rầm rộ hoạt động, đặc biệt là nạn khai thác vàng sa khoáng bừa bãi đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái khiến hệ động, thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị suy giảm nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất, hiện tại Khu bảo tồn này chỉ còn 300 loài động vật, trong đó có 2 loài thực vật nằm trong Sách Đỏ.
Mặc dù chính quyền địa phương hai huyện Phước Sơn và Nam Giang cũng như tỉnh Quảng Nam đã triển khai khá quyết liệt các hoạt động tuần tra, truy quét tuy nhiên khu bảo tồn vẫn bị xâm hại. Việc đưa khu bảo tồn này trở thành Vườn quốc gia không chỉ đem lại lợi ích về du lịch mà còn là biện pháp quyết liệt bảo tồn hệ sinh thái nơi đây.
Ngày 3-2, tại buổi làm việc với H. Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo nghiên cứu tính khả thi của việc bổ sung một phần khu vực rừng lim xanh và rừng cây di sản pơ mu thành hai tiểu khu của vườn quốc gia để công tác bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm ngặt.
Tỉnh cũng sẽ làm việc với tỉnh Kon Tum để có hướng lắp ghép một phần diện tích rừng của tỉnh này vào vườn quốc gia. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở KH&CN được giao nhiệm vụ nghiên cứu về giống dược liệu, lan và các cây trồng khác có giá trị phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng miền để giúp người dân trồng và phát triển sinh kế dưới tán rừng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loại cây trồng, con vật nuôi bản địa quý hiếm. Tỉnh có chủ trương nâng cấp mở rộng một số đoạn, tuyến đường xung quanh vườn quốc gia sau này và kết nối với các tour, tuyến, điểm du lịch đồng bộ.
Nhấn mạnh tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cho rằng, trong năm 2017, Sở VH-TT&DL phải xây dựng cho được một tour du lịch miền núi, có kết nối vùng, có kết nối điểm, có điểm dừng. Cùng với đó, phải nghiên cứu, tạo sản phẩm du lịch, dệt thổ cẩm, múa tung tung da dá, ẩm thực đặc sản vùng miền, tạo sự phong phú cho bức tranh du lịch, bên cạnh các điểm du lịch như thác Grăng, đường mòn Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chính quyền H.Tây Giang cũng đề xuất bổ sung khu vực rừng lim xanh (khoảng 1.000 ha) và rừng cây di sản pơ mu (rộng 7.000 ha) trở thành 2 tiểu khu của Vườn quốc gia Sông Thanh, để công tác bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm ngặt.
Đồng Dao/CAĐN