Đà Nẵng: Quy hoạch đô thị cần hướng đến cân bằng sinh thái

Cập nhật: 06/03/2017
Sự phát triển nóng trong quy hoạch của Đà Nẵng thời gian qua, một mặt mang lại cho thành phố diện mạo của đô thị hiện đại, đồng thời cũng phá vỡ cảnh quan tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học. Để hướng tới sự phát triển bền vững, trong quá trình tổ chức kiến trúc cảnh quan, Đà Nẵng cần tích hợp các yếu tố tạo lập không gian đô thị hướng đến sự cân bằng sinh thái.
 
Các công trình du lịch xây dựng sát bờ biển đang đe dọa cấu trúc sinh thái tự nhiên
 
Sử dụng tài nguyên gây tác động tới hệ sinh thái
 
Hệ sinh thái của TP. Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa dạng tổng hợp với đầy đủ từ hệ sinh thái đồi núi, đồng bằng, sông, biển, bán đảo và hải đảo xa. TP. Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên ưu đãi với chiều dài bờ biển 60km với nhiều khu vực đặc thù khác nhau. Khu ven bờ Bắc thuộc vịnh Đà Nẵng (khoảng gần 20km) có tiểu khí hậu vùng vịnh chịu ảnh hưởng gió Bắc và sinh thái biển khác với khu ven bờ Đông. Hầu hết bãi biển Đông từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, trực tiếp với biển Đông bãi biển thoải cát trắng, nước trong xanh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng đang làm biến dạng hệ sinh thái đặc trưng. Việc khai thác quỹ đất ven biển vào du lịch một cách ồ ạt và triệt để (chỉ trong vòng hơn 10 năm) chiếm lĩnh hầu hết bờ biển đẹp, vô hình tự  bóp nghẹt TP trong tương lai. Những tuyến đường đô thị xây dựng gần sát mép biển khiến môi trường tự nhiên bị phá hủy, rừng dương trên các đồi cát ven biển biến mất, hàng chục km đường bờ biển vĩnh viễn xóa sổ… làm gia tăng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Một số khu vực xây thêm kè cứng và một số cầu cảng làm thay đổi dòng hải lưu, ảnh hưởng đến các bãi tắm cách hàng chục km, bị xói lở, gây úng lụt trong mùa lũ ở thượng nguồn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới TP. Đà Nẵng mà còn các khu vực tỉnh khác trong vùng sinh thái.
 
Việc xây dựng tràn lan hệ thống các khu vui chơi, nghỉ dưỡng với khối tích quá lớn cùng với các giải pháp vật liệu chủ yếu là bê tông, cốt thép vi phạm những nguyên tắc cơ bản về một đô thị xanh. Đặc biệt, tại các Khu bảo tồn Sơn Trà và Bà Nà, sự phát triển của hệ thống cáp treo cùng mật độ dày đặc của các tuyến đường giao thông đã chia cắt môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, khiến đa dạng sinh học đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, tác động đến sự phát triển của thành phố.
 
Không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của thành phố môi trường, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống cây xanh đô thị đã không được xác định như là yếu tố chiến lược quy hoạch dài hạn cho đô thị Đà Nẵng. Hiện nay, diện tích cây xanh đô thị của Đà Nẵng là 5m2/người, trong khi đó tiêu chuẩn cây xanh bình quân cho đô thị loại một là 10 -12m2/  người. Việc phân chia đất đai đã dành hầu hết cho xây nhà và giao thông đi lại.  
 
Tuân thủ nguyên tắc sinh thái cảnh quan
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định đô thị Đà Nẵng hiện nay có diện mạo mới, hiện đại, trẻ trung, xứng đáng tầm thế của đô thị loại I quốc gia. Những vấn đề đặt ra cho đô thị Đà Nẵng là công tác quy hoạch phải gắn với tầm nhìn, có chất lượng. Môi trường, hạ tầng, không gian đô thị phải hướng đến cân bằng sinh thái. Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
TS, KTS Tô Văn Hùng (Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố) cho rằng: Để hướng đến một đô thị sinh thái để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong quá trình quy hoạch, thành phố cần tiếp cận giải quyết các vấn đề phát triển đô thị và bảo vệ môi trường dưới góc độ của hệ thống sinh thái đô thị. Tập trung giữ gìn sự đa dạng sinh học bằng cách đảm bảo hành lang cư trú tự nhiên, thiết kế hài hòa với các nguyên tắc tôn trọng tự nhiên, bảo đảm các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm.
 
Trong quá trình kiến trúc cảnh quan, chú trọng tỷ lệ diện tích cây xanh cao, hình thành các mảng xanh, bãi cỏ bờ sông, khu cây xanh cách lý giữa khu dân cư và công nghiệp, hệ thống hành lang xanh kết nối các khu vực cảnh quan. Tăng cường cây xanh trên các trục giao thông để tạo bóng mát, ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy. Tập trụng quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng hồ điều hòa để hạn chế ngập lụt đô thị trong điều kiện thiên nhiên ngày càng bất lợi.
 
Đồng thời, TP. Đà Nẵng cần ưu tiên các mô hình kinh tế “xanh”, tập trung sức lao động và công nghệ mới thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước, nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng. Công nghiệp đô thị sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh.
 
Ông Phạm Phú Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đà Nẵng đề xuất, thành phố cần quy hoạch và thiết kế cảnh quan riêng cho vệt đường Nguyễn Tất Thành, kiểm soát quy hoạch và đầu tư phát triển đối với khu đô thị sinh thái Hòa Xuân để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và là thành phố môi trường.
 
Đô thị phát triển bền vững trong tương lai nhất thiết phải hướng đến cân bằng sinh thái. Điều đó không chỉ góp phần giúp thành phố Đà Nẵng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và mà còn hỗ trợ kịp thời ứng phó với các rủi ro thiên tai.
 
TD
Nguồn: TN&MT