Ba Hang – Thiên đường trên vịnh Hạ Long

Cập nhật: 16/03/2017
Ba Hang là một làng chài từ cổ xưa nằm trong vịnh Hạ Long, cách Cảng Tàu Du lịch Quốc tế Tuần Châu khoảng chừng 3 km về phía Nam. Sau đợt mưa phùn đầu xuân, hôm nay trời bắt đầu hửng nắng, vịnh Hạ Long như được dát một màu vàng óng ả tuyệt đẹp. Khu du lịch chèo đò Ba Hang lộ ra như một nàng tiên lộng lẫy, nổi bật trên nền Vịnh xanh biếc, lung linh.
Nay, Ba Hang đang trở thành khu du lịch chèo đò hấp dẫn nhất, độc đáo nhất trên vịnh Hạ Long ( ảnh chụp – chèo đò qua hang núi).
 
Ba Hang chỉ rộng khoảng vài trăm ha được điểm xuyết bởi những hòn đảo cao vút và hấp dẫn bởi những hang núi sâu thẳm. Nơi đây từ hàng trăm năm trước là nơi sinh sống của một làng Chài. Cuộc sống bà con ngư dân xưa kia tuy yên bình, không ồn ào náo nhiệt như ở đất liền nhưng bấp bênh, nghèo khó lắm. Đặc biệt mỗi mùa mưa bão đến bà con lại “đánh vật” với thiên nhiên, có khi “cá cược” cả mạng sống của mình.
 
Rồi một cuộc “đổi đời” hay phải nói là “cuộc cách mạng” triệt để của tỉnh Quảng Ninh đã vận động di dời bà con ngư dân ở làng Chài Ba Hang lên định cư trên đất liền tại Cái Xà Cong – TP. Hạ Long.
 
Bây giờ hàng trăm hộ dân chài yên tâm vì không lo hiểm họa thiên nhiên nữa, họ đã có nhà, có đất ổn định mà xưa kia chỉ có trong mơ mới thấy. Tuy nhiên cuộc sống lênh đênh gắn bó trên biển từ nhiều thế hệ đã khiến họ khó hòa nhập với cộng đồng do thiếu vốn, thiếu trình độ…
 
Được biết xưa kia nhiều hộ gia đình của làng Chài Ba Hang túng quẫn lắm, nuôi thủy sản thì không có vốn, chài lưới bắt con tôm, con cá chẳng được là bao, cực chẳng đã họ phải chèo đò đi…ăn xin trên biển. Lúc đó vì cần làm “trong sạch” môi trường du lịch nên các cơ quan chức năng cũng ra tay “quét” nạn ăn xin dữ lắm. Nghèo đói đã là cái cực, ăn xin mà bị chống còn nhục hơn nữa.
 
Ông Nguyễn Văn Duyên – một trong những người sáng lập ra HTX Vạn Chài con đò Cổ Tích ( người đứng giữa) đang thân thiện chào đón khách đến Ba Hang.
 
Cũng may là trong bó đũa lại xuất hiện cột cờ, đó là sự xuất hiện của 3 đơn vị: HTX Vạn Chài con đò Cổ Tích, DN tư nhân Ninh Trang, DNTN Ngọc Hoa Cương ra đời từ những năm 2010 để làm dịch vụ chèo đò đón khách du lịch tham quan khu Ba Hang. Được sự hỗ trợ động viên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long lúc bấy giờ, 3 doanh nghiệp đã mở rộng vòng tay đón nhận nhiều hộ làm nghề ăn xin trên Vịnh về làm xã viên chèo đò chở khách.
 
Tàu chở khách du lịch tấp nập đến Ba Hang đã góp phần làm nên sự hấp dẫn của Ba Hang và đặc biệt tạo ra thêm nguồn thu ngân sách không nhỏ.
 
Bây giờ làng Chài đã định cư trên bờ rồi nhưng cả trăm hộ gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập của những xã viên chèo đò chở khách tại Ba Hang. Gần trăm lao động vẫn miệt mài, cần mẫn sáng đi tối về đồng lương của họ là cả một cuộc sống ấm no, cả một tương lai tươi sáng của gia đình trên đất liền mong đợi. Ông Đỗ Văn Hùng – Xã viên chèo đò cho biết: “Chúng tôi là những gia đình còn nghèo khó lắm, nhờ ơn Đảng và chính quyền các cấp tạo điều kiện cấp cho căn nhà ở trên đất liền. Giờ đây Đảng và chính quyền lại tiếp tục tạo điều kiện cho 3 doanh nghiệp hoạt động tốt tức là cho chúng tôi cuộc sống ổn định, các con tôi được học hành thì ơn này biết bao nhiêu mà kể!”. Được biết, nhiều hộ gia đình để con trên đất liền cho ông bà trông nom còn hai vợ chồng cần mẫn chèo đò cũng thu nhập được cả gần chục triệu đồng một tháng.
 
Một cô thôn nữ của Làng chài nay đã phấn khởi là xã viên HTX, đang thêu tranh trong giờ giải lao.
 
Bà con làng Chài Ba Hang xưa kia bây giờ là xã viên chèo đò thì vui lắm, sướng lắm, nhiều người đã biết nói tiếng Anh giao tiếp tương đối. Những lúc giải lao họ thường tự học tiếng Anh hoặc thêu tranh, câu cá… Họ tự hào được diện bộ trang phục áo bà ba màu đen dân tộc, họ được huấn luyện kỹ năng giao tiếp với khách quốc tế, rồi kỹ năng cứu nạn trên biển, phòng và chống cháy .v.v…
 
Du khách được tham quan những vụng, những hang núi muôn hình kỳ thú, mát rượi bằng những con thuyền nan nhẹ nhàng, êm ái…
 
Ngỡ ngàng trước cảnh đẹp Ba Hang và sự thân thiện của con người nơi đây du khách Warren người Úc thốt lên: “Ồ! Tôi thấy rất sung sướng khi được đến tham quan nơi này. Cảnh đẹp tuyệt vời và những người chèo đò giản dị, hiền lành, thân thiện. Một loại hình du lịch đặc sắc, độc đáo lắm. Các bạn hãy cố gắng phát huy để lần sau tôi và những người bạn của tôi lại được chiêm ngưỡng nữa nhé!”
 
Ở một góc nhìn khác, chủ tàu du lịch Quảng Nam cho biết: “Từ năm 2010 các tour du lịch của chúng tôi đã được giới thiệu cho khách tới tham quan Ba Hang bằng du lịch chèo đò. Chúng tôi rất mong muốn tỉnh Quảng Ninh giúp doanh nghiệp giữ gìn và phát huy loại hình du lịch ở đây – một nét văn hóa độc đáo, một loại hình du lịch an toàn hấp dẫn du khách nước ngoài”.
 
Có thể nói rằng, đi du lịch Hạ Long mà chưa đến Ba Hang thì thật là một điều đáng tiếc…
 
Hòa nhập vào niềm vui khi đã góp công nhỏ bé của mình biến Ba Hang từ nơi hoang sơ xưa kia thành điểm thu hút du lịch hấp dẫn ông Hà Văn Ninh – Chủ DNTN Ninh Trang cho biết: “Từ năm 2010, ba đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch chèo đò tại Ba Hang của chúng tôi được Phòng Quản lý Đô thị TP.Hạ Long cấp phép, biển kiểm soát cho hàng loạt con đò đủ tiêu chuẩn an toàn, pháp lý đi vào hoạt động. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương và Ban QLVHL chấp thuận, tạo điều kiện hoạt động từ khi đó.
 
Vì Dự án với số vốn đầu tư nhỏ dưới 15 tỉ đồng nên các đơn vị trên không thuộc loại phải lập dự án đầu tư. Và việc hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long là đúng quy hoạch, đúng chủ trương phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.
 
Vừa qua chúng tôi cũng trình UBND Tỉnh xem xét, hướng dẫn để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển dịch vụ ngày càng tốt hơn”.
 
Trời đã xế chiều, ánh nắng chuyển màu đỏ rực nhuộm thắm Ba Hang, nhuộm thắm Hạ Long. Màu đỏ rực huyền ảo mạnh mẽ như tiếp sức cho du lịch Ba Hang đã và đang phát triển góp một phần nhỏ bé phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long. Chúng tôi rời Ba Hang vào bến Tuần Châu nhưng nơi ấy – Ba Hang vẫn vang vọng lời bài hát từ radio phát trên loa:
 
“...Hạ Long mênh mông là thế để em mê mải mái chèo
 
Hạ Long bão giông là thế để anh ngất ngây thuyền say...”
 
Lòng thầm khen, tác giả Đỗ Hoài An trong bài “Hạ Long biển nhớ” đã nói lên, vẽ lên tất cả nhưng giá trị về thiên nhiên, về con người, về du lịch Hạ Long nói chung và Ba Hang nói riêng đến thế./.
 
Văn Nguyễn
Nguồn: www.baoxaydung.com.vn