Quận Hoàn Kiếm đang hoàn thiện phương án thiết kế dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực chung quanh Hồ Gươm. Những ý tưởng cải tạo khu vực đã được trưng bày lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư. Phần lớn các ý kiến nhất trí cần cải tạo nhằm nâng cao giá trị di sản ở khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch.
Nhằm phát huy giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh di tích chung quanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần tạo không gian sinh hoạt cộng đồng và đẩy mạnh phát triển du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp các đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng phương án cải tạo chỉnh trang khu vực hồ, hướng tới chuyển đổi chức năng giao thông sang chức năng du lịch, dịch vụ cho toàn khu vực. Những yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các phương án thiết kế là phải gia tăng kết nối giữa hồ với khu vực chung quanh; nâng cao tính tiện nghi cho người đi bộ và nâng cao giá trị các di sản văn hóa lịch sử, kiến trúc, cảnh quan hồ. Vì vậy, toàn bộ các nội dung như: hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các trang thiết bị chung quanh hồ; hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng; các công trình kiến trúc, di tích… đều được nghiên cứu để đề ra biện pháp cải tạo.
Du khách tản bộ, tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: DUY LINH
Tư vấn thiết kế đã xác định bảy khu vực là những điểm nhấn chính chung quanh hồ, cần điều chỉnh tạo kết nối hài hòa với khu vực phố cổ gồm: Tháp Hòa Phong, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục, đền thờ Vua Lê, không gian ngã tư Hàng Khay- Bà Triệu và không gian ngã tư Hàng Khay- Hàng Bài. Tại những khu vực này, hạ tầng kỹ thuật sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi bộ, đồng thời mở ra không gian chiêm ngưỡng giá trị cảnh quan. Ðường dạo quanh hồ và kè đá ven hồ cũng có những phương án cải tạo nhằm tôn vẻ đẹp không gian cây xanh, mặt nước.
Hệ thống cây xanh là một trong những giá trị làm nên nét đặc sắc của cảnh quan hồ. Vì vậy, dự án đã đặt vấn đề nâng cao giá trị này bằng cách tổ chức trồng cây hoa và cây lá mầu kết hợp tạo điểm nhấn mầu sắc sinh động đa dạng, truyền tải sức sống thiên nhiên của bốn mùa trong năm. Theo đó, sẽ quy hoạch vườn hoa chung quanh hồ thành sáu vùng chính: vườn hoa mùa xuân, vườn hoa mùa hạ, vườn hoa mùa thu, vườn hoa mùa đông, vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực đặt vườn hoa lập thể. Bên cạnh tôn tạo cảnh quan bằng vẻ đẹp hoa lá tự nhiên, việc kết hợp khéo léo ánh sáng nhân tạo cũng đóng vai trò quan trọng làm tăng giá trị của khu vực.
Các giải pháp chiếu sáng cũng được nghiên cứu kỹ với những lớp ánh sáng như: Lớp chiếu sáng Tháp Rùa và Ðền Ngọc Sơn bằng ánh sáng hổ phách, nhằm tôn lên các chi tiết kiến trúc, trả lại vẻ đẹp cổ kính hiện nay đang bị mất đi do chiếu sáng với cường độ chưa phù hợp. Lớp chiếu sáng dưới mặt nước nhằm đem lại vẻ đẹp huyền ảo cho mặt hồ. Lớp chiếu sáng cây, đường đi bộ, ghế ngồi… thay đổi theo mùa. Lớp chiếu sáng các công trình điểm nhấn chung quanh hồ tạo thành tổng thể thống nhất…
Phương án nêu trên đã được UBND quận tổ chức trưng bày lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia, nhà khoa học tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 phố Lê Thái Tổ) từ ngày 13 đến 23-1. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Ngay trong thời gian triển lãm trưng bày phương án thiết kế, ban tổ chức đã nhận được hơn 850 ý kiến đóng góp, với tỷ lệ ý kiến ủng hộ đạt 96%. Số ý kiến còn lại có những góp ý, đề xuất cụ thể với từng nội dung của phương án. Căn cứ vào đây, phương án tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính góp ý: Cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp cải tạo mặt đứng trên các tuyến phố Cầu Gỗ, Hàng Dầu để tránh sự đơn điệu. Các công trình kiến trúc khác cần được chỉnh trang trên cơ sở tôn trọng hình thức kiến trúc ban đầu. Hạn chế xây dựng các công trình cao tầng. Các nội dung thiết kế khác phải tạo nên sự gắn kết tổng thể, tránh những tác động lớn làm biến đổi hiện trạng. Quá trình thực hiện cải tạo, chỉnh trang nên theo phương thức đơn giản, dễ bảo dưỡng, bảo trì; sử dụng vật liệu bền vững và thân thiện môi trường.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Ðào Ngọc Nghiêm nhất trí việc cải tạo hệ thống cây xanh quanh hồ trên cơ sở nhận diện đầy đủ cây xanh di sản để có giải pháp thích hợp. Về vườn hoa, có thể phân thành sáu khu vực như thiết kế, nhưng không nên phân theo mùa, mà nên hòa lẫn hoa các mùa để bảo đảm đồng nhất các khu vực quanh hồ. Việc phân lớp chiếu sáng là hợp lý, song chưa nên đề cập đến việc chiếu sáng đáy hồ, bởi cần xem xét kỹ sự tác động của chiếu sáng tới hệ sinh thái đa dạng trong lòng hồ. Kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng: Khi cải tạo, chỉnh trang công trình trên các tuyến phố cần nghiên cứu kỹ đặc trưng không gian từng tuyến phố; lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị thật chuẩn xác về tiêu chí, cần kế thừa các nghiên cứu về vấn đề này. Dự án cũng cần đề cập đến các điểm dừng xe điện, kết hợp các ki-ốt dịch vụ, nhà ga tàu điện ngầm... Theo kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), cần nhấn mạnh việc giảm bớt diện tích cho phương tiện lưu thông, tăng diện tích đường cho người đi bộ. Nên chuyển bến xe ra khỏi phạm vi hồ Hoàn Kiếm, dành đất cho không gian công cộng tạo không gian rộng để tổ chức các sự kiện văn hóa; tổ chức vườn hoa, cây cối theo chuyên đề đặc trưng tạo sự hấp dẫn.
Một số ý kiến khác đề nghị cần quan tâm đường dành cho người đi bộ và bảo đảm yêu cầu sử dụng của người khuyết tật. Cần bố trí thêm nhiều thảm cỏ xanh, hạn chế bê-tông hóa. Chú ý bổ sung các dịch vụ tiện ích công cộng tại các trục đường dạo ven hồ như: ghế ngồi, nước uống, vệ sinh, thùng rác, bảng tra cứu thông tin...
Các ý kiến góp ý đã được quận Hoàn Kiếm và đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu và có sự điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện phương án. Mới đây, tại cuộc họp về việc triển khai dự án nêu trên, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương thực hiện theo hướng giao quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai dự án "Cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng chung quanh hồ Hoàn Kiếm". Trong đó có bổ sung các hạng mục "Cây xanh và cảnh quan chung quanh hồ Hoàn Kiếm" và "Chiếu sáng chung quanh hồ Hoàn Kiếm". Với phần lớn ý kiến nhất trí cũng như những góp ý thiết thực, phương án cải tạo chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ sớm được hoàn thiện và dự kiến được triển khai vào quý II năm nay.
Thảo Nguyên