Ông Tạ Hồng Quân, một cán bộ đang làm việc tại Hà Nội vừa gửi UBTP Hà Nội ý tưởng dựng tượng vàng cụ rùa ở khu vực Hồ Gươm.
Dự án "Đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm - Thần Kim Quy" được ông Tạ Hồng Quân khởi động từ tháng 5/2011, thời điểm cụ rùa Hồ Gươm có dấu hiệu suy kiệt về sức khỏe.
Ông Tạ Hồng Quân trình bày mục đích của đề án: "Để Rùa Vàng Hồ Gươm 'Thần Kim Quy' trở thành biểu tượng độc đáo của Việt Nam và duy nhất của Thế giới tại Hà Nội - Việt Nam, chúng ta cần phát huy yếu tố từ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thuyết và tâm linh, từ lòng yêu mến vốn có của người Hà Nội và cả nước từ sự chú ý quan tâm của thông tin báo chí truyền hình trong nước và quốc tế.
Để hình tượng Rùa Vàng Hồ Gươm 'Thần Kim Quy' trở thành một giá trị văn hoá, tinh thần, tâm linh, thành biểu tượng Hà Nội - Việt Nam cho hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau hay muôn đời mãi mãi, trở thành nét đẹp trong đời sống người Hà Nội, người Việt Nam và trở thành tâm điểm văn hoá du lịch cho nhân dân cả nước và du khách nước ngoài".
Theo ý tưởng ban đầu của đề án, tượng rùa vàng có kích thước vừa phải với chiều dài từ 2,5 - 3,5m, chiều cao (cả phần đế) khoảng 2,5m và dự kiến đúc bằng đồng và vàng.
Theo nhà Sử học Dương Trung Quốc, ý tưởng về đúc tượng rùa ở Hồ Gươm ông đã được nghe, xem đề án từ năm 2011, thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông cũng hoàn toàn ủng hộ ý tưởng đó. "Thực ra ý tưởng này có từ lâu. Tôi là người luôn luôn ủng hộ ý tưởng mới. Tuy nhiên, tôi có lưu ý là khi dựng ở không gian như Hồ Gươm thì cần phải thận trọng. Ý tưởng là một chuyện, thực hiện như thế nào lại là một chuyện. Khi có ý tưởng mới, nên đưa lên thông tin đại chúng để bàn luận cho hợp lý, nếu hay thì sẽ dùng, không thì phải cân nhắc.
Tôi rất ủng hộ ý tưởng này. Đây là ý rất hay, rất nên làm và lựa chọn vị trí đặt tại bờ Hồ Gươm. Cần tạo ra được mẫu sao cho đẹp về hình tượng, về mỹ thuật và tạo hình. Qua đó trở thành biểu tượng của Hà Nội và cũng là của Việt Nam, có tính chất lịch sử hàng trăm hàng nghìm năm sau, trở thành giá trị văn hóa tinh thần, có ý nghĩa trong và ngoài nước", ông Dương Trung Quốc nói.
Bản đề xuất của ông Quân có nêu ý kiến của GS Phan Huy Lê. Tuy nhiên, khi VietNamNet liên lạc với GS Phan Huy Lê, ông khẳng định không hề có ý kiến gì như vậy. "Cô kiểm tra hộ tôi xem đó có bút tích của tôi hay không. Nếu không có mà chỉ đánh máy là không phải, vì tôi không bao giờ ủng hộ những dự án như thế. Đặt tượng rùa ở Hồ Gươm, kích thước thế nào, hình dáng ra sao là phải xem xét kỹ lắm, không tuỳ tiện được. Cô kiểm tra cho tôi xem ông Quân là ông nào, sao lại thế được?", GS Phan Huy Lê chia sẻ.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá Thể Thao Hà Nội cho hay Sở chưa nhận được văn bản chỉ đạo, xin ý kiến gì về đề xuất này nên không có ý kiến gì. Ông Động nói thêm rằng, 2 phiên bản cụ rùa ở Đền Ngọc Sơn do Sở đề xuất hiện rất có giá trị rồi.
Hiện tại, theo ý tưởng ban đầu của đề án, tượng rùa vàng có kích thước vừa phải với chiều dài từ 2,5 - 3,5m, chiều cao (cả phần đế) khoảng 2,5m và dự kiến đúc bằng đồng và vàng. Tương ứng với đặc thù cảnh quan của Hồ Gươm, tượng được đề nghị đặt tại khu vực gần ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài (gần cột đồng hồ Thụy Sĩ) hoặc phía bên kia hồ, tại vườn hoa gần siêu thị Intimex.
T.Lê