Đồng Tháp Mười phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 07/04/2017
Mới đây, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp đã cùng thống nhất ký kết bản ghi nhớ liên kết phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười
Buổi ký kết diễn ra trong khuôn khổ tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười” do Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn tổ chức, với kỳ vọng đưa Đồng Tháp Mười vượt lên “mọi lý thuyết màu xám”, hấp dẫn du khách bằng chính sắc xanh sức sống của mình.
 
Quang cảnh lễ ký kết
 
Không thiếu tiềm năng
 
Là một vùng đất ngập nước của ĐBSCL, Đồng Tháp Mười có diện tích khoảng 697.000 ha, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nơi đây có nhiều tài nguyên du lịch như các hệ sinh thái ngập nước đặc trưng: đồng cỏ ngập nước theo mùa, đầm lầy, rừng tràm, lúa mùa và lúa nổi… đến các yếu tố văn hóa độc đáo như di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo, các di tích lịch sử, cây trái bốn mùa, các món ăn đặc trưng cùng nhiều lễ hội dân gian truyền thống của người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng.
 
Nằm giữa hai TP lớn của Nam Bộ là TP HCM và Cần Thơ, Đồng Tháp Mười có hạ tầng giao thông khá thuận lợi với các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1A, cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, Quốc lộ N2, mạng lưới giao thông đường thủy trải rộng khắp vùng, thuận lợi cho việc tiếp cận các điểm du lịch và kết nối tuyến du lịch. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười khá đơn điệu và rời rạc; hạ tầng du lịch còn hạn chế, chất lượng phục vụ chưa cao. Việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng chỉ mới dừng lại ở trao đổi thông tin, kinh nghiệm, quảng bá xúc tiến là chính. Để hấp dẫn du khách, Đồng Tháp Mười cần tiến hành quy hoạch, xác định loại hình du lịch đặc trưng, tránh “đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng”. Sở hữu Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu di tích lịch sử văn hóa - khảo cổ Gò Tháp, khu du lịch Đồng Sen - Tháp Mười, khu du lịch Xẻo Quýt (Đồng Tháp); khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An); cù lao Thới Sơn, khu di tích Ấp Bắc, khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang)… vùng Đồng Tháp Mười có thể khai thác phát triển loại hình sinh thái miệt vườn, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp nghiên cứu văn hóa, lịch sử, lễ hội, tâm linh… trong đó nổi bật có Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thu hút nhiều đoàn sinh viên quốc tế đến tham quan kết hợp nghiên cứu, trải nghiệm. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, du lịch không phải là dựa vào một nguồn vốn quy mô lớn nào đó mà bắt đầu từ việc thu hút du khách bởi những cái đang có trong đời thường của nông dân Nam Bộ tại Đồng Tháp Mười cùng với những suy nghĩ có tính sáng tạo, chủ động và sự hỗ trợ của chính quyền.
 
Rừng tràm Tân Lập (tỉnh Long An) nhìn từ trên cao Ảnh: Nguyễn Tính
 
Tăng sức hấp dẫn
 
Cần khẳng định du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư hiệu quả và phối hợp giữa các địa phương. Ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), chia sẻ: Để liên kết sản phẩm, chúng ta phải dựa trên yếu tố văn hóa bản địa hay nói cách khác là tour trải nghiệm khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười. Nên có những kịch bản dành cho không gian Đồng Tháp Mười đồng thời tạo sức bật từ mối liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, tới thời điểm này, kể cả du khách và các đơn vị lữ hành vẫn còn mơ hồ về Đồng Tháp hay Đồng Tháp Mười, thậm chí người ta dễ đồng nhất vùng Đồng Tháp Mười với huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp.
 
Để hoạt động du lịch phát triển theo hướng tích cực hơn, Đồng Tháp Mười cần có những chương trình huấn luyện cho người dân cách làm du lịch, tuyên truyền ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; liên kết xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật du lịch; quảng bá xúc tiến “Ba địa phương - Một điểm đến”; chia sẻ kinh nghiệm về mô hình hoạt động du lịch và bảo tồn khu ramsar; vận động cư dân “vùng sông nước” cùng hợp tác làm du lịch trên định hướng phát triển du lịch cộng đồng; quy hoạch và phát triển loại hình du lịch “homestay” nép mình bên cánh đồng sen bạt ngàn hoặc nơi rừng tràm bát ngát rợp bóng cò bay. Theo ông Trương Hoàng Phương - đại diện Hiệp hội Du lịch TP HCM, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam - nên ưu tiên phát triển du lịch Long An bởi đây là tỉnh chiếm diện tích lớn nhất, có cảnh quan đặc thù nhất trong vùng Đồng Tháp Mười. Có thể đầu tư chương trình trọn ngày trên cơ sở những gì Long An đã có, chẳng hạn như bảo tàng Long An, ngoài chuyên đề Óc Eo nên có thêm chuyên đề về thiên nhiên Đồng Tháp Mười, biến nơi đây thành một bảo tàng về tự nhiên - văn hóa của vùng. Đầu tư showroom trình diễn tinh dầu, tạo thêm điểm nhấn mua sắm. Riêng về làng nổi Tân Lập đã sai ngay từ đầu khi bỏ người dân ra khỏi hoạt động du lịch. Chúng ta cần làm nó sống dậy bằng sức sống của người dân địa phương chứ không phải từ một nhà đầu tư nào đó, bởi sự kiếm lời của nhà đầu tư đôi lúc sẽ mâu thuẫn với việc bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương.
 
Không chỉ thu hút khách nội địa, Đồng Tháp Mười cần tận dụng thế mạnh của cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Mộc Hóa (Long An) để đón khách quốc tế du lịch liên tuyến thông qua cửa ngõ Campuchia; tận dụng sự đầu tư phát triển của đường Xuyên Á, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương để kết nối với các hãng lữ hành TP HCM.
 
Dựa trên tài nguyên sẵn có, Long An sẽ tập trung hoàn thiện khu du lịch sinh thái Tân Lập, chùa Nổi, Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười với hình ảnh quảng bá là cây tràm, ẩm thực gắn với cây hẹ nước. Tiền Giang tập trung vào khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác; hình ảnh quảng bá sản phẩm vùng cây trái trên đất phèn, ẩm thực gắn liền với trái thơm. Đồng Tháp tập trung vào khu di tích Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim với hình ảnh và ẩm thực chủ đạo là sen.
 
Lệ Trinh
Nguồn: dulich.nld.com.vn