Độc đáo giếng cổ nghìn năm cho dòng nước mát lành

Cập nhật: 17/04/2017
Nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, xã Gio An, huyện Gio Linh được biết đến là vùng đất đỏ Bazan với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa gió Lào. Thế nhưng nơi đây còn nổi tiếng bởi có một hệ thống giếng cổ rất độc đáo và hiếm có.
Giếng cổ nghìn năm kỳ lạ
 
Từ lâu, hễ nhắc đến Gio An, nhiều người lại nhắc đến hệ thống giếng cổ độc đáo. Men theo con đường 75 đi qua các thôn An Nha, An Hướng, Hảo Sơn, Long Sơn,.. thuộc xã Gio An, đi đến đâu cũng bắt gặp giếng cổ.
 
Hệ thống giếng cổ ở Gio An hiện nay gồm 14 giếng với tên gọi dân dã địa phương như: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha. Giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy thôn An Hướng. Giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai thôn Hảo Sơn. Giếng Máng thôn Long Sơn và giếng Pheo thôn Tân Văn.
 
Các giếng cổ Gio An có dạng cấu trúc độc đáo, thể hiện trình độ xếp đá điêu luyện của người xưa trong quá trình ngăn dòng, lập bể, khai mương để tận dụng những mạch nước ngầm tự nhiên từ triền đồi.
 
Theo nhiều nhà khoa học, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào cuối thời đại đồ đá mới cách đây khoảng 5000 năm. Chủ nhân của nó từ xa xưa là người Chăm Pa với trình độ văn minh khá cao, sau này được người Việt thừa hưởng lại.
 
Không giống với giếng nước ở những vùng đồng bằng khác, giếng cổ Gio An có cấu trúc gồm nhiều thành phần. Nguyên liệu để xây dựng chủ yếu là đá mồ côi được sắp xếp một cách công phu. Đây là kỹ thuật khai thác nước với dạng cấu trúc độc đáo, thể hiện trình độ xếp đá điêu luyện của người xưa trong quá trình ngăn dòng, lập bể, khai mương để tận dụng những mạch nước ngầm tự nhiên từ triền đồi ở những độ cao khác nhau nhằm phục vụ cuộc sống.
 
Người dân xã Gio An cho hay, giếng cổ xưa chia làm 3 loại được xây dựng tuỳ theo mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và nguồn nước. Loại thứ nhất là giếng có cấu trúc hoàn chỉnh nhất, được xây dựng ở những khu đông dân cư và có nguồn nước ngầm mạnh. Đối với giếng này, các khu vực sử dụng nước được phân định hệ thống rõ ràng, tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt như bể lắng chỉ dùng lấy nước sinh hoạt, bể dùng cho việc tắm giặt thì riêng, bể dùng cho gia súc riêng. Nguồn nước tràn dư thừa theo hệ thống kênh làm bằng đá phải qua các ruộng rau rồi sau đó mới ra đến các hồ chứa, ruộng trũng.
 
Hệ thống giếng cổ ở Gio An hiện nay gồm 14 giếng với tên gọi dân dã như: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha...
 
Loại giếng thứ hai có kết cấu đơn giản hơn nhưng nguyên tắc căn bản vẫn mang dạng cấu trúc gồm phần tầng đá gia cố, bể lắng và tràn vào hố chứa nhưng không thông qua máng dẫn nước.
 
Loại thứ ba là giếng đào và đặt nổi lên những khối đá được chế tác thành hình trụ rỗng. Đây là kỷ  thuật khai thác nước với dạng cấu trúc độc đáo dựa trên nguyên tắc bình thông nhau. Các ống đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong giếng cao hẳn lên, từ đó tạo nên độ chênh với mặt bằng của lòng mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng tràn ra ngoài.
 
Tuy có nhiều loại khác nhau nhưng các giếng cổ Gio An hầu như có một đặc điểm chung là nước chảy quanh năm, nguồn nước chưa bao giờ cạn. Chính cách tìm nguồn nước, cách lấy nước và làm giếng mang nhiều nét lạ độc đáo đã thôi thúc các nhà khoa học tìm hiểu và khám phá.
 
Nước ở giếng cổ trong suốt...
 
Một công trình có nhiều giá trị
 
Hệ thống giếng cổ ở Gio An là một công trình có giá trị lịch sử bởi chúng có nguồn gốc lâu đời. Theo người dân địa phương, trong chiến tranh, Gio An cũng là vùng đất bị bom đạn cày xới tơi bời nhưng kỳ diệu thay tất cả các giếng cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Qua nhiều thế hệ, ở những thời điểm khác nhau, từ nhu cầu và trình độ cụ thể mỗi thời đã cải tạo và xây dựng để thích ứng với điều kiện sống của mình.
 
Ông Trần Đức Thuyên (56 tuổi, người dân thôn Hảo Sơn, xã Gio An) cho biết: “Từ bao đời nay, cư dân Gio An vẫn sống và sinh hoạt, buồn vui theo nguồn nước chảy ra từ giếng cổ. Không chỉ có giá trị về vật chất, giếng cổ còn có mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Chính giếng cổ đã đem lại hơi thở cho vùng quê này”.
 
Nguồn nước mát lành ở các giếng cổ chảy quanh năm chưa khi nào cạn là nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.
 
Xét về khía cạnh văn hóa, giếng cổ Gio An là công trình thể hiện rõ nét những đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Trong điều kiện tự nhiên cụ thể, người dân đã biết tận dụng nguồn nước để phục vụ vào đời sống. Ở Gio An, những mạch nước ngầm mát lành từ giếng cổ không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà còn giúp người dân thoát nghèo nhờ trồng cây “đặc sản” rau liệt.
 
Rau liệt còn được người dân Gio An gọi với cái tên khác là rau xà lách xoong. Đây là một loại rau rất khó trồng bởi chỉ mọc được ở những nơi sạch sẽ, có nguồn nước mát lành. Rau liệt không sống được với nước bẩn, đất bùn hay thuốc bảo vệ thực vật,… Thế nhưng với nguồn nước quanh năm mát lành từ các giếng cổ mà ở Gio An cây rau liệt không cần chăm sóc vẫn phát triển xanh tốt. Người dân Gio An luôn tự hào vì đây là “rau siêu sạch” bởi có thể hái và dùng ngay tại chỗ. Nhờ nước giếng cổ, nhờ cây rau liệt mà nhiều hộ dân ở xã Gio An đã thoát được nghèo.
 
Những kênh nước được làm bằng đá hộc đưa nguồn nước sạch ra nuôi sống những thửa rau liệt ở xung quanh.
 
 
“Đặc sản” rau liệt siêu sạch được trồng từ nguồn nước giếng cổ Gio An.
 
Với những giá trị của mình, năm 2001, hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên do tác động của thời gian, thiên nhiên và con người mà nhiều giếng cổ ở đây đã dần xuống cấp hư hại.
 
Mới đây, người dân xã Gio An không khỏi vui mừng khi Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị tiến hành trùng tu bước đầu giếng Đào – một trong những giếng cổ xuống cấp. Bên cạnh việc trùng tu, được biết Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị cũng đang hướng đến lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống giếng cổ Gio An vào danh mục di sản thế giới để phục vụ phát triển du lịch.
 
Đ. Hoàng – T. Trung
Nguồn: toquoc.vn