Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu: Nhiều hạng mục cần được tu bổ cấp thiết

Cập nhật: 26/04/2017
Nhiều hạng mục tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám đang xuống cấp và cần được tu bổ cấp thiết.
Trong tuần qua, UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở VHTT Hà Nội và yêu cầu Sở khẩn trương triển khai thực hiện nghiên cứu kế hoạch khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng giếng Thiên Quang và xây dựng phương án tu bổ nhằm giữ gìn cảnh quan, kiến trúc khu vực giếng Thiên Quang và bảo đảm an toàn đối với hoạt động tham quan, tìm hiểu của du khách tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
 
Giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các đều đang xuống cấp cần được tu bổ (ảnh hanoimoi.com.vn)
 
Trước thực tế, nhiều hạng mục của Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám đang xuống cấp, việc đề xuất những hạng mục cần tu bổ để bảo tồn là cấp thiết.
 
Cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án bảo tồn di tích
 
Chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên, sự tác động của đô thị, di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám với nhiều hạng mục bị xuống cấp khiến dư luận lo ngại, di tích Quốc gia đặc biệt này có nguy cơ thành phế tích. Tuy nhiên, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định, công tác bảo tồn Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám luôn được thực hiện tích cực và kịp thời. “Năm 2016, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có đề án và thực hiện xong việc tu bổ toàn bộ khu nhà che 82 bia Tiến sĩ. Khu Thái Học cũng đã được tu bổ một cách hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vừa rồi còn nhà Đại Thành xuống cấp nghiêm trọng, Giếng Thiên Quang mới xuống cấp, lở tường và một số hạng mục nhỏ cũng đang xuống cấp. Đặc biệt, phần mái của Khuê Văn Các đang xuống cấp. Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã gửi báo cáo đề xuất và Sở đang làm dự án để hoàn thành thủ tục tu bổ xin ý kiến UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL”- Ông Tiến cho biết.
 
Đánh giá việc gìn giữ và phát huy giá trị khu di tích đặc biệt này, có hay không chuyện nhiều hạng mục xuống cấp, bị đe dọa thành phế tích, ông Tiến khẳng định, không có chuyện để Văn Miếu xuống cấp.  Ông Tiến chia sẻ: “Sở VHTT Hà Nội luôn ý thức Văn Miếu- Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt, trong đó còn có di sản Tư liệu Thế giới 82 bia tiến sĩ. Vì vậy, Sở VHTT và UBND TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với di tích này”.
 
Tuy nhiên, ông Trương Minh Tiến cũng cho biết, khó khăn của việc bảo tồn di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám khi di tích nằm giữa trung tâm thành phố, tác động ko chỉ từ thiên nhiên, môi trường mà từ sự ảnh hưởng của đô thị rất nhiều. Ông Trương Minh Tiến khẳng định: “Khi Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám báo cáo các dự án tu bổ Văn Miếu, Sở rất ủng hộ. Chúng tôi thực hiện trên nguyên tắc, nguồn vốn bảo tồn, tu bổ từ thu phí bán vé tham quan. Nguồn đó sử dụng hiệu quả, hết vốn đó mới báo cáo để dùng ngân sách thành phố”.
 
Dự án tu bổ Văn Miếu phải vừa Bộ VHTTDL, vừa phải qua cả Bộ Xây dựng thẩm định nên cần nhiều thời gian trong quá trình xây dựng thủ tục (ảnh minh họa Minh Khánh)
 
Tuy nhiên ông Tiến chia sẻ, có một số hạng mục xuống cấp như dư luận lo ngại mà chưa có dự án bảo tồn do khó khăn của quá trình xin phép. Là di tích quốc gia đặc biệt nên dự án tu bổ Văn Miếu phải vừa được Bộ VHTTDL và cả Bộ Xây dựng thẩm định nên cần nhiều thời gian trong quá trình xây dựng thủ tục. Ngoài ra, các dự án của di tích này phải theo Quy định phải xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt.
 
Quy hoạch để Văn Miếu phát huy tối đa giá trị
 
Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chủ trương và giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Quy hoạch tổng thể sẽ định hướng cho công tác quản lý, bảo tồn di tích một cách toàn diện. Việc nào cần thực hiện trước, việc nào thực hiện sau sẽ được xác định rõ ràng. Tình trạng tu bổ, chống xuống cấp di tích mang tính cấp thiết, tình thế, thậm chí chắp vá nhờ đó sẽ được khắc phục. Cảnh quan, không gian di tích sẽ hài hòa, hấp dẫn hơn”.
 
Sẽ có sự gắn kết chặt chẽ giữa các điểm đến, các giá trị lịch sử, văn hóa để di sản được quảng bá và lan tỏa rộng rãi (ảnh Minh Khánh)
 
Theo ông Kiêu, một trong những vấn đề còn tồn tại của Văn Miếu là việc xây dựng bãi đỗ xe. Hiện nay, xe đưa du khách đến tham quan di tích vẫn đỗ ở ven đường (ô tô) và trong vườn Giám (xe máy). Để có được cảnh quan hợp lý, bố trí cho việc đưa đón du khách thuận tiện, tránh ùn tắc, phương án được đưa ra là xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Bên cạnh đó, trước mắt sẽ có một số việc cần làm ngay là Đề án bảo tồn 82 bia tiến sĩ, số hóa và phục dựng một bảo tàng dưới dạng 3D để lưu giữ nội dung di sản tư liệu thế giới.
 
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa khu vực Vườn Giám thành khu dịch vụ và khu tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường xuyên. Hồ Văn sẽ được cải tạo, nâng cấp và bổ sung một số công trình, hạng mục phù hợp với chức năng vốn có của di tích. Cổng vào Hồ Văn sẽ được đề xuất chỉnh sửa cho hài hòa, ăn nhập với cổng chính của Văn Miếu hiện nay- Ông Lê Xuân Kiêu cho hay.
 
Ngoài ra, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ, thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp liên kết phát triển thu hút khách du lịch.
 
Hy vọng, khi Quy hoạch tổng thể của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám được xây dựng, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các điểm đến, các giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long- Hà Nội sẽ được quảng bá và lan tỏa rộng rãi hơn nữa./.
 
Hoàng Nguyên
Nguồn: toquoc.vn