Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá cao chủ trương của Bộ VHTTDL về việc xây dựng sản phẩm du lịch thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn. Nhiều người bày tỏ, sau mấy chục năm làm nghề du lịch, đây là lần đầu tiên họ được vào tham quan, chiêm ngưỡng Nhà hát Lớn.
Chiều 10/5, Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn đã tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm về sản phẩm văn hóa du lịch, thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội dành cho các đơn vị lữ hành và các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội.
Theo kế hoạch dự kiến, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật từ đầu tháng 6/2017 với tần suất 2 buổi/tuần. Nhà hát Lớn xây dựng 2 gói sản phẩm du lịch gồm: Dành cho khách chỉ vào thăm quan với mức giá 120.000 đồng/người và gói 400.000 đồng với gói thăm quan và xem biểu diễn nghệ thuật.
Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn đã tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm về sản phẩm văn hóa du lịch, thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội
“Người Việt cũng sẽ thích”
Tại buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chương trình khảo sát, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn phục vụ nhu cầu du khách đến với Hà Nội. Mục đích của sản phẩm du lịch này là nhằm kết nối giữa văn hóa và du lịch để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc mới cho thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành nhằm hoàn thiện sản phẩm du lịch này, đồng thời đáp ứng trúng thị hiếu của du khách.
Góp ý kiến tại tọa đàm, đa phần các doanh nghiệp (DN) du lịch đều đánh giá cao chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn. Một số DN bày tỏ rằng, đã từ lâu, các DN và nhiều du khách đều mong muốn có được tour tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn, song lâu nay du khách mới chỉ được đứng bên ngoài chụp ảnh. Với chủ trương mới này của Bộ VHTTDL, hầu hết DN đều tin rằng sản phẩm du lịch này sẽ hấp dẫn không chỉ du khách quốc tế mà cả người Việt Nam nếu được xây dựng chuyên nghiệp, đáp ứng đúng thị hiếu du khách.
Góp ý kiến tại tọa đàm, đa phần các doanh nghiệp (DN) du lịch đều đánh giá cao chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn
Đánh giá cao cách làm của Bộ VHTTDL, bà Trương Thị Thảo – Giám đốc Công ty Du lịch Tia Sáng Mê Kông cho biết, chất lượng của hành trình tham quan rất tốt. Đặc biệt, bà Thảo nhận định, chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn hết sức ấn tượng và thuyết phục. Nếu được đưa vào khai thác, chắc chắn sản phẩm sẽ không chỉ hấp dẫn du khách quốc tế mà còn thu hút nhiều du khách trong nước, nhất là du khách Sài Gòn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Công ty Du lịch Tầm Nhìn Viễn Á - một doanh nghiệp chuyên khách Pháp bày tỏ, sau mấy chục năm làm nghề du lịch, đây là lần đầu tiên ông được tham quan Nhà hát Lớn theo đúng nghĩa đen. Ông cũng mong muốn Nhà hát Lớn sẽ mở cửa bán vé tham quan cho du khách như một bảo tàng, bởi vì nhu cầu của du khách rất lớn. Tuy nhiên, cần cung cấp thêm cho các doanh nghiệp du lịch tài liệu về lịch sử, kiến trúc… của Nhà hát Lớn để giới thiệu, quảng bá trước tới du khách.
Nên thực hiện tour hàng tuần
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Nguyên – Trưởng phòng Sản phẩm của Công ty Du lịch Hanoitourist cho biết, người Pháp để lại nhiều công trình kiến trúc tại thủ đô Hà Nội, trong đó có Nhà hát Lớn. Do vậy, việc Nhà hát Lớn mở cửa cho du khách tham quan và thưởng thức nghệ thuật là điều rất có ý nghĩa và chắc chắn thu hút được nhiều du khách châu Âu nói chung và khách Pháp nói riêng. Tuy nhiên, tài liệu thuyết minh cần bổ sung nhiều thông tin về Nhà hát Lớn hơn, làm nổi bật sự khác biệt giữa Nhà hát Lớn với các công trình, di sản khác.
Về nội dung chương trình nghệ thuật, ông Nguyên kiến nghị ban tổ chức xem xét lại vì 5 tiết mục đơn lẻ thì rất hay, nhưng không xâu chuỗi được nội dung ý tưởng. Do đó, phần nội dung chương trình nên đầu tư cụ thể theo chủ đề như "Thăng Long hội tụ", nói về sự hình thành của Hà Nội.
Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc công ty du lịch Mai Phượng Vy góp ý, khung giờ tham quan từ 10 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút là quá hẹp do tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội khiến khách di chuyển từ các điểm khác về sẽ không chủ động. “Theo tôi, nên mở cửa từ 9 giờ sáng đến gần 12 giờ và chiều từ 14 giờ đến khoảng 17 giờ. Đồng thời nên mở cửa thường xuyên các ngày trong tuần, không nên chỉ mở có thứ 2 và thứ 5 như đề xuất, vì nhu cầu của nhóm khách lẻ không thể cố định. Việc mở cửa thăm quan, bán vé vào Nhà hát Lớn nên triển khai theo mô hình thăm quan một bảo tảng kiến trúc, nghệ thuật” – ông Tráng cho hay.
Việc mở cửa thăm quan, bán vé vào Nhà hát Lớn nên triển khai theo mô hình thăm quan một bảo tảng kiến trúc, nghệ thuật ?
Tọa đàm cũng ghi nhận một số ý kiến đề xuất chỉ nên áp dụng một giá vé, không nên phân biệt khách nước ngoài và khách Việt Nam, đồng thời cho rằng mức giá 400 ngàn đồng là hơi cao, thời gian ban đầu cần giảm giá vé đến mức tối đa để thu hút du khách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức giá vé đó cho một tour tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn là hợp lý. Ông Nguyễn Thế Vinh, Công ty Du lịch Bạn Đồng Hành cho biết :“Với du khách người nước ngoài, mức giá vé 400 ngàn đồng mà đắt thì khó tin, bởi lẽ bình thường du khách ăn một bữa cơm có khi đã tốn 50 đô rồi. 400 ngàn là quá rẻ để thăm một công trình kiến trúc đặc sắc và thưởng thức nghệ thuật”.
Cũng theo ông Vinh, với du khách là người Việt Nam nên có sự ưu đãi giảm giá, bởi lẽ với người miền Nam, miền Trung, có cơ hội được vào “Thánh đường nghệ thuật” đã là điều tuyệt vời. “Thậm chí, nhiều người Hà Nội cũng không đủ tiền vào xem show diễn ở Nhà hát Lớn. Bán mức giá vé vừa phải sẽ vừa góp phần đem lại nguồn thu lớn vì nhu cầu được tham quan, chiêm ngưỡng Nhà hát Lớn của người dân rất cao, đồng thời có thể tạo điều kiện cho nhiều người dân Việt Nam có cơ hội được tham quan một công trình văn hóa, kiến trúc đặc sắc như Nhà hát Lớn” – doanh nghiệp này cho hay.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ban tổ chức sẽ ghi nhận, tổng hợp tất cả những ý kiến góp ý của doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện sản phẩm du lịch này, đáp ứng nhu cầu của du khách./.
Lâm Minh - Ảnh: Nam Nguyễn