Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 17/05/2017
Đó là khẳng định của đại diện các quốc gia khi tham dự phiên thảo luận thứ 3 hội nghị chuyên đề liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ngày 13-5.
Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh VGP
 
Ngày 13-5, tại phiên thảo luận thứ 3 hội nghị chuyên đề liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các đại biểu tham dự đã tập trung vào các giải pháp huy động nguồn lực để hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển; làm thế nào để không bỏ lại những người nghèo phía sau mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu (BĐKH). Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cùng Tổng thư ký IPU Martin Chungong, lãnh đạo các ủy ban Quốc hội, một số bộ ngành Việt Nam, đại biểu đại diện các vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH, đại diện một số tổ chức quốc tế, Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam tham dự…
 
Thu hút đầu tư tài chính ứng phó BĐKH
 
Theo tính toán từ Ngân hàng thế giới (WB), hiện cần đến 3.700 tỷ USD/năm để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tuy nhiên, trong nguồn lực huy động hiện có chỉ mới đạt khoảng 2.700 tỷ USD/năm, vẫn còn thiếu khoảng 1.000 tỷ USD đầu tư cho các SDGs. Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, hoàn toàn có thể huy động nguồn lực tài chính này từ nội lực các quốc gia và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, khu vực tư nhân là quan trọng nhất. Khảo sát từ WB cho thấy, hiện đang có khoảng 2.000 tỷ USD nằm trong 10 Công ty Bảo hiểm thế giới. Khoảng 100.000 tỷ USD nằm trong thị trường trái phiếu toàn cầu. Đây là cơ hội khổng lồ để huy động nguồn lực phục vụ SDGs. 
 
WB cam kết sẽ huy động nguồn lực tài chính cấp quốc gia và cấp quốc tế. Tuy nhiên, để có thể làm được việc này, các nước đang chịu nhiều ảnh hưởng BĐKH cần có 2 yếu tố quan trọng. Một là, thay đổi mô hình kinh doanh từ tận dụng thị trường đến thay đổi tạo ra thị trường nhằm thu hút đầu tư khu vực tư nhân; hai là, xây dựng thể chế tập trung tạo ra giải pháp cho khu vực tư nhân, môi trường giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia đầu tư, đóng góp vốn vào mục tiêu BĐKH. 
 
Không chỉ tập trung vào việc xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo hành lang pháp lý an toàn cho DN hoạt động mà còn phải xây dựng chính sách pháp lý để buộc DN phải có trách nhiệm hơn với xã hội, nhất là cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương do BĐKH. 
 
Ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng: “Luật Thuế là chìa khóa cho việc huy động nguồn lực tài chính cho mục tiêu phát triển bền vững. Tôi là công dân của nước có mức thuế cao nhất. Ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại Thụy Điển cũng phải chịu mức thuế rất cao. Đây là cách để tạo, bổ sung nguồn thu, giảm thuế cho những ngành xanh sạch, nâng thuế cho những ngành gây ô nhiễm. Nhiều công ty gây ô nhiễm môi trường sẽ bị “tẩy chay” tại Thụy Điển”.
 
Cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ mạnh cho Việt Nam
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam không có đủ chi phí để đầu tư cho các dự án cần thiết nhằm giảm thiểu tác động BĐKH. Chỉ ưu tiên đầu tư cho các dự án không thể trì hoãn và không hối tiếc. Chẳng hạn như hệ thống hạ tầng phòng chống bão lũ; dự báo dự trữ nguồn nước; phát triển rừng phòng hộ ven viển; dự án xác định vùng nguy hiểm di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm… cần kinh phí lên đến 19.000 tỷ đồng. Cho đến nay, Quốc hội đã phê duyệt hạng mục dự án ưu tiên với tổng kinh phí 15.000 tỷ đồng. Nguồn lực này bố trí một phần từ ngân sách và một phần từ các tổ chức thế giới. Tuy nhiên, để có thể thích ứng BĐKH, giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh mà Chính phủ vừa ban hành, thì đòi hỏi khoản kinh phí khổng lồ. 
 
Chia sẻ những khó khăn của Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, khẳng định trong thời gian tới, WB tập trung hỗ trợ cho Việt Nam 4 trụ cột chính: huy động sự tham gia đóng góp tài chính khu vực tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn lực công; hỗ trợ giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân; đảm bảo sự bền vững và tự cường vào môi trường, đảm bảo Việt Nam có thể chống lại cơn sốc môi trường phía ngoài. Trên thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề: lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước. Đây là vấn đề an ninh nguồn nước cần có sự hỗ trợ bền vững; hỗ trợ tăng cường và cải thiện khả năng quản trị. 
 
Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg nhấn mạnh thêm, Việt Nam có bờ biển dọc từ Bắc đến Nam nên những tác động BĐKH rất mạnh, thiệt hại rất cao. Thụy Điển cam kết thông qua các tổ chức đa phương WB, UNDP (Chương trình phát triển Liên hiệp quốc)… hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tổn hại của BĐKH gây ra. Hiện Thụy Điển đang đứng thứ 4 trong số những nước có nhiều hỗ trợ ngân sách cho Việt Nam giảm thiểu thiệt hại do BĐKH. 
 
Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho rằng, cần một đầu mối để huy động nguồn lực tài chính. Cần đoàn kết thiết lập hợp tác tạo cộng đồng phát triển bền vững, giúp tiếp cận nguồn lực tài chính. Vai trò nghị viện, nghị sĩ rất quan trọng, góp phần đưa chương trình đúc kết hoạt động của nghị sĩ được xử lý một cách nhất quán… Đối với các khoản thuế, cần hợp lý hóa, để tạo nguồn thu hiệu quả. Ngoài ra, phải nhất quán trách nhiệm của các nghị sĩ các nước trong liên minh nghị viện về việc kết nối xây dựng chương trình hành động; lồng ghép nội dung phát triển bền vững trong các chương trình phát triển kinh tế mỗi quốc gia. Thực tế, nguồn lực đã có sẵn ở đó, vấn đề là cần một chính sách nhất quán.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng 6 nội dung quan trọng:
 
Một là, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những mối đe dọa lớn đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hội nghị đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các quốc gia và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực ứng phó BĐKH, đảm bảo việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)  với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”. 
 
Hai là, Nghị viện có vai trò dẫn dắt thực hiện, hình thành các SDGs trong việc xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với Bộ tiêu chí tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng đã được chính thức công bố tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện để tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các SDGs. Vì vậy, Quốc hội các nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm nâng cao năng lực Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong  quá trình thúc đẩy thực hiện các SDGs.
 
Ba là, BĐKH ảnh hưởng tới việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; đặc biệt, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH. Vì phụ nữ phải gánh vác quá nhiều công việc, quyền ra quyết định còn hạn chế; còn trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương. 
 
Bốn là, bên cạnh những thách thức, chúng ta đã chỉ ra những cơ hội cho phát triển bền vững, tạo điều kiện để các nước chuyển đổi mô hình phát triển, thích nghi với BĐKH. Điều này thể hiện qua chuyến thăm thực địa và trồng cây tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Tại Cần Giờ, các đại biểu đã chứng kiến những dự án trồng rừng ngập mặn góp phần trực tiếp trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, đem lại nguồn sinh kế cho người dân.
 
Năm là, Quốc hội cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó BĐKH thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên quy mô khu vực và toàn cầu. Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ nhiều hơn cho người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của BĐKH.
 
Sáu là, để thực hiện các SDGs, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các SDGs ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Lê Hoàng (theo VGP)
Nguồn: VGP