Bộ VHTTDL đã xem xét những kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và nhận thấy rằng, có nhiều nội dung không chỉ liên quan đến du lịch mà liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do vậy, Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan, thành phố Đà Nẵng và các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Ngày 22/5, Bộ VHTTDL đã cung cấp một số nội dung liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Tp Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bộ VHTTDL cho biết, Quy hoạch Sơn Trà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/11/2016 và mới được công bố ngày 15/02/2017. Sau khi công bố, đã có ý kiến đề nghị điều chỉnh Quy hoạch này của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Bộ VHTTDL, UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách thật sự khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận; có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2017.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã xem xét những kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và nhận thấy rằng, có nhiều nội dung không chỉ liên quan đến du lịch mà liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do vậy, Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan, thành phố Đà Nẵng và các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Bán đảo Sơn Trà (Ảnh minh họa: Vietravel)
Ở thời điểm hiện nay, Bộ xin cung cấp một số nội dung liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Về ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, Bộ VHTTDL nhận định: Ý kiến này không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu lập Quy hoạch. Qua xem xét, đánh giá về quy mô phát triển, mức độ tác động tới môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải pháp hợp lý là điều chỉnh cấu trúc không gian du lịch, kết hợp với việc kiểm soát quy mô hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú như đã nêu trong Quy hoạch được phê duyệt để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Hơn nữa, nếu không có Quy hoạch này, quy mô phòng lưu trú tại Sơn Trà sẽ không chỉ dừng lại ở con số 5.049 phòng mà có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Ý kiến trên có thể dẫn đến một số hệ quả: Đối với các dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ; đối với các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải hủy bỏ. Đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được cấp phép trước thời điểm lập Quy hoạch. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đang rà soát, và sẽ có đề xuất cụ thể.
Về ý kiến hợp nhất khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển như mô hình khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước, Bộ VHTTDL cho biết, việc hình thành khu dự trữ sinh quyển phải thực hiện theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, pháp luật có liên quan và thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về sự phù hợp của Quy hoạch với Luật Đầu tư, Điều 19 Luật Du lịch quy định, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG chỉ xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất, các định hướng về quy mô phát triển cho khu vực quy hoạch, là cơ sở để lập các quy hoạch cụ thể đối với các phân khu chức năng. Quy hoạch cụ thể các phân khu chức năng trong Khu DLQG khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới là căn cứ pháp lý để lập các dự án đầu tư cụ thể.
Điều 30 Luật Đầu tư quy định: “...Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: (1) Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: a) Nhà máy điện hạt nhân; b) Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường 500 ha trở lên; rừng sản xuất 1.000 ha trở lên.
Như vậy, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Sơn Trà không phải là dự án đầu tư, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 30 Luật Đầu tư và không trái với Luật Đầu tư.
Về vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất rừng: Quy hoạch Sơn Trà xác định phạm vi ranh giới quy hoạch là 1.056 ha, trong đó có 21 ha đất rừng đặc dụng, còn lại là đất trống, đất công trình công cộng và đất rừng sản xuất.
Đây là quy hoạch có tính định hướng về du lịch, chỉ xác định các không gian tiềm năng thuận lợi cho hoạt động du lịch. Việc sử dụng các loại rừng trong phạm vi quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 (Khoản 2 Điều 4 và Điều 53): Rừng đặc dụng được phép tổ chức hoạt động kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường nhưng phải có dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải tuân theo quy chế quản lý rừng, nội quy bảo vệ khu rừng, pháp luật về du lịch và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bán đảo Sơn Trà với chiều dài đường bờ biển khoảng 35,5 km (không tính khu vực cảng Tiên Sa), có các khu chức năng du lịch nằm rải rác ven biển, tuy nhiên phần mặt tiền giáp biển (kể cả diện tích đất rừng vẫn còn trong các khu chức năng) chỉ khoảng 12,3 km, do vậy, vẫn bảo đảm cho động vật hoang dã tiếp cận bờ biển.
Về dự án đầu tư tại bán đảo Sơn Trà: Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa được báo chí, công luận phản ánh đã được triển khai đầu tư, xây dựng trước thời điểm tiến hành lập Quy hoạch này. Trước thời điểm 2013 đã có nhiều dự án được phê duyệt, do đó, khi thực hiện Quy hoạch, có dự án phải điều chỉnh quy mô, có dự án không được thực hiện. Mặc dù trong quá trình lập quy hoạch, Đà Nẵng đã cung cấp số liệu, thông tin về các dự án đã cấp phép làm cơ sở, tuy nhiên, đơn vị tư vấn lập quy hoạch không có chức năng đánh giá dự án. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm rà soát và xử lý đối với từng dự án theo quy định.
Tóm lại, Quy hoạch Sơn Trà đã được lập, trình và phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, trong đó các bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến về bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Việc ban hành Quy hoạch này nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Quy hoạch này chỉ xác định quy mô phát triển của các khu chức năng, hệ thống cơ sở lưu trú và là căn cứ pháp lý quan trọng để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, quy mô các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là giảm quy mô phòng lưu trú xuống còn 1.600 phòng tại bán đảo Sơn Trà. Toàn bộ các khu chức năng đề xuất trong Quy hoạch nằm trong phạm vi các khu vực có một số dự án đã triển khai, không phát sinh các khu vực đề xuất mới. Tiếp theo quy hoạch tổng thể, việc lập quy hoạch chung xây dựng, lập mới, rà soát, cập nhật các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư là những nhiệm vụ cần thực hiện theo Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 8 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong toàn bộ quá trình lập quy hoạch, việc đề xuất các khu vực và quy mô phát triển đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện một cách cẩn trọng, khách quan. Tên của các cụm lưu trú được đặt theo các địa danh của từng khu vực để có thể xác định vị trí các khu chức năng trong bản thuyết minh đề án Quy hoạch và các văn bản có liên quan. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm tổ chức lập và rà soát quy hoạch chung khu du lịch, các quy hoạch, dự án trong phạm vi ranh giới khu du lịch quốc gia và công khai thông tin về các dự án tại bán đảo Sơn Trà.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý một cách nghiêm túc, cầu thị, cởi mở, khoa học, khách quan, thông tin đa chiều. Từ kết quả của các tọa đàm, hội nghị, các bước tiếp theo sẽ được triển khai thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật./.
Hồng Dương