Du lịch Đà Nẵng: Tạo thương hiệu để thu hút du khách

Cập nhật: 29/05/2017
Những ngày này, Đà Nẵng rộn ràng sắc màu pháo hoa, lễ hội đường phố, lễ hội ẩm thực, hay những buổi diễu hành xe hoa, xích-lô… Bằng sự nỗ lực không ngừng, Đà Nẵng liên tục tổ chức thành công những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, thu hút đông đảo du khách.
 
Những năm gần đây, khi Đà Nẵng có chủ trương xây dựng hai bờ sông Hàn thành trục lễ hội của thành phố, nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ được tổ chức nhằm tạo điểm nhấn đặc trưng với người dân và du khách. Chẳng hạn, chương trình “Âm nhạc đường phố” đã trở thành “đặc sản” của Đà Nẵng. Những bản nhạc acoustic trữ tình, hay những điệu nhảy sôi động… trên vỉa hè đường Bạch Đằng đã quen thuộc với nhiều người dân Đà Nẵng. Sau này có thêm hô hát bài chòi, đưa tuồng xuống phố (vỉa hè đường Trần Hưng Đạo), người dân và du khách có thêm không gian nghệ thuật mới trong những tối cuối tuần.
 
Từ những sự kiện nói trên, Đà Nẵng hướng đến những sự kiện lớn hơn. Trong vài năm gần đây, Đà Nẵng liên tục tổ chức hoặc đăng cai các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như: Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Race); Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng; Đại hội Thể thao biển châu Á lần thứ 5; Đại hội du lịch golf châu Á; Iron man 70.3… và hiện nay là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017) trong suốt 2 tháng hè với hơn 20 hoạt động phụ trợ khác nhau. Đà Nẵng đang thực sự là điểm đến được yêu thích của một số thị trường khách Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; các thị trường khác như Thái Lan, châu Âu, châu Úc…
 
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, cùng với cảnh quan, hạ tầng đô thị đã có, các hoạt động nghệ thuật hai bên bờ sông Hàn chính là điểm nhấn của thành phố, đưa sông Hàn trở thành điểm đến, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng thành phố về đêm. Đây cũng là chủ đích của lãnh đạo thành phố ngay từ khi có ý tưởng hình thành những câu cầu nối hai bờ sông Hàn. Ngoài vấn đề giao thông, mỗi cây cầu còn mang sứ mệnh văn hóa. Bên cạnh đó, cùng với các chương trình nghệ thuật, Đà Nẵng cũng tạo thương hiệu riêng với DIFF. “Để có thương hiệu riêng này là nỗ lực không ngừng của thành phố trong nhiều năm qua, phải liên tục đổi mới và phát huy những thành quả đã đạt được, để du khách mỗi lần đến Đà Nẵng bắt gặp những cái mới hơn, khác biệt hơn. Trong tương lai, khi cầu Nguyễn Văn Trỗi được đầu tư trở thành một trong những sản phẩm du lịch thì trục sản phẩm lễ hội hai bờ sông Hàn sẽ đa dạng và phong phú”, ông Chiến bày tỏ.
 
Song, trong chuỗi hoạt động phụ trợ cho DIFF 2017, các hoạt động như lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố… dù thu hút người dân và du khách nhưng sức lan tỏa vẫn chưa nhiều và chưa sâu. Theo đánh giá của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, có thể thấy việc xã hội hóa DIFF là định hướng tốt nhằm nhanh chóng đa dạng hóa các hoạt động tổ chức lễ hội, tăng cường khả năng thu hút khách. Tuy nhiên, để duy trì lượng khách tham gia các sự kiện, đòi hỏi hoạt động sự kiện phải phong phú, đa dạng và phù hợp với thị hiếu của du khách. Ông Cao Trí Dũng cũng chỉ ra rằng, vấn đề cốt lõi trong tổ chức chuỗi sự kiện là phải có nhiều hoạt động mới, sự kiện mới, loại hình sản phẩm mới… gắn với chủ đề của lễ hội trong từng thời điểm để tạo tính hấp dẫn.
 
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch, những hoạt động lễ hội liên quan đến DIFF 2017 được kỳ vọng khá nhiều nhưng vì năm nay có một số thay đổi nên nhiều hoạt động, lễ hội vẫn chỉ ở góc độ giới thiệu các hoạt động mới, chưa có chiều sâu. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những lợi thế đã có, ngành du lịch thành phố sẽ nghiên cứu, đa dạng, nâng tầm hơn nữa các hoạt động lễ hội, các chương trình có tính nghệ thuật; đồng thời ngành cũng sẽ tìm hiểu, nghiên cứu để có thêm các hội thi khác như kinh khí cầu, dù bay, các lễ hội lướt ván, lướt sóng… nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo Đà Nẵng