Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần có tư duy, nhận thức và hành động cụ thể để bảo vệ môi trường

Cập nhật: 05/06/2017
Tối 4/6, tại TP.Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu long trọng tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì môi trường năm 2017. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Cần có tư duy, nhận thức và hành động cụ thể để bảo vệ môi trường.
 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ tối 4/6
 
Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân;Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Marianne Oehlers đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đọa các đơn vị trực thuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các tỉnh thành phố và các sở ban, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hãy sống gần gũi với thiên nhiên hơn nữa

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khái quát về ý nghĩa của Ngày Môi trường Thế giới 5/6 hàng năm. Theo Bộ trưởng, kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 1974, đến nay Ngày Môi trường thế giới đã trở thành phong trào rộng khắp thế giới nhằm tăng cường nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với những vấn đề môi trường từ ô nhiễm, suy thoái môi trường đến buôn bán động thực vật hoang dã. Hàng năm hàng triệu người của hơn 143 quốc gia trên toàn thế giới tham gia hưởng ứng sự kiện này, qua đó tạo ra sự biến chuyển trong chính sách môi trường quốc tế cũng như hành vi của người dân đối với môi trường.

Bộ trưởng cho biết thêm: Ngày Môi trường thế giới năm 2017 được Liên hợp quốc tổ chức lấy chủ đề “Kết nối con người với thiên nhiên” nhằm mục đích kêu gọi toàn nhân loại hãy sống gần gũi với thiên nhiên hơn nữa để nhận thức đúng những giá trị to lớn về vật chất và tinh thần mà thiên nhiên mang lại. “Thiên nhiên ở gần ngay bên chúng ta: từ mỗi ô cửa sổ, khu phố, hàng cây ở thành thị đến từng cánh đồng lúa, con sông, ngọn núi ở nông thôn, hàng ngày cung cấp cho chúng ta từ nhu yếu phẩm đến tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú, nuôi dưỡng và làm giàu thêm cho cuộc sống của chúng ta” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được hết những giá trị vô cùng to lớn đó cũng như có thể thấu hiểu những “nỗi đau” mà thiên nhiên đang hàng ngày phải gánh chịu do chính con người gây ra: rừng bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm và suy thoái; nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang dần bị mất đi; thay vào đó là thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu. Xa rời thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên chính là tàn phá nguồn sống của mỗi chúng ta, trong đó phụ nữ là một trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất do công việc và sinh kế của phần đông phụ nữ trên thế giới, cũng như ở Việt Nam hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều thiên nhiên.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường

“Hưởng ứng chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, chúng ta hãy cùng nhau: Nâng cao hơn nữa nhận thức về những giá trị to lớn mà thiên nhiên mang lại. Đắm mình vào với thiên nhiên để cảm nhận được hơi thở và vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó có những hành động cụ thể thiết thực để bảo tồn, tôn tạo những giá trị của thiên nhiên, bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Với vai trò là những người trực tiếp gắn bó với thiên nhiên và môi trường, phụ nữ đóng vai trò rất to lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thông qua công việc hàng ngày cũng như trách nhiệm quản lý gia đình, chính phụ nữ là những người rất am hiểu thiên nhiên, môi trường xung quanh. Nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn đời sống và sản xuất của phụ nữ được đúc kết thành tri thức, kiến thức về ứng xử hài hòa với thiên nhiên và truyền lại đến nay vẫn còn giá trị để chúng ta học tập và áp dụng.

“Với ý nghĩa đó, hôm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” để kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và từng người dân hãy chung tay bảo vệ thiên nhiên, làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn” - Bộ trưởng nói.

Cần có tư duy, nhận thức và hành động cụ thể để bảo vệ môi trường

Bộ trưởng cũng đã đề cập đến câu chuyện môi trường, thiên nhiên nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ to lớn do tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên sẵn có, chưa chú trọng đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, diễn biến nhanh và phức tạp của biến đổi khí hậu; gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân, kéo lùi các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm vừa qua, cũng như cản trở việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra…

Bộ trưởng cho biết: Nhận thức được những nguy cơ to lớn đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó đề cao sự tham gia của các thành phần kinh tế, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân.

 


 

Các đại biểu tham dự buổi lễ.
 
Nhân dịp Tháng hành động vì môi trường, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát huy sức mạnh đoàn kết, có các hành động cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới tư duy, nhận thức để bảo vệ môi trường. Bộ trưởng đề nghị tập trung vào năm hoạt động trọng tâm trong tháng hành động vì môi trường:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên với nội dung đa dạng, phong phú, sáng tạo nhằm truyền tải đầy đủ thông điệp về giá trị của thiên nhiên, môi trường đến người dân trên cả nước.

Hai là, phát động các phong trào người dân ra quân, chung tay hành động vì môi trường, bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, thay đổi mô hình, thói quen sinh hoạt theo hướng hài hoà với thiên nhiên, yêu thiên nhiên; xây dựng nhân rộng các mô hình quản lý hiệu quả các khu bảo tồn gắn với đảm bảo sinh kế của người dân và có sự tham gia của chính người dân.

Ba là, tăng cường vai trò, sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cộng đồng dân cư trong hoạt động giám sát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phá hoại cảnh quan thiên nhiên.

Bốn là, các thành phần kinh tế cần tăng cường đầu tư thỏa đáng cho bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”; nhân rộng các mô hình xử lý hiệu quả chất thải, khí thải, tái chế, tái sử dụng, chế biến rác thải thành năng lượng.

Năm là, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu hoàn thiện yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đề ra. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cũng rất cần có sự tham gia, đóng góp xây dựng, phản biện tích cực của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân.

“Tôi tin tưởng rằng, với ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần giữ gìn hành tinh xanh của toàn nhân loại” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 
Bài và ảnh: Việt Hùng.
Nguồn: Bộ TNMT