Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Cần sớm xây dựng Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050

Cập nhật: 09/06/2017
Sáng 8/6, tại bờ biển Khai Long, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - vùng đất mũi cực Nam của Tổ quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cùng các Bộ, ban, ngành và các địa phương ven biển long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới 08 tháng 6 năm 2017.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ mít tinh sáng 8/6
 
Đến dự Lễ mít tinh có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Trung ương ven biển và đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
 


 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường biển Việt Nam

 

“Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta” Biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái Đất, là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng ô-xy chúng ta hít thở hàng ngày; cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ cuộc sống của chúng ta. Đại dương còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa khí hậu cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ các quốc gia có biển. Tuy nhiên, biển và đại dương đang bị đe doạ nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người. Theo thông tin Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: 30% cá nước mặn đang bị khai thác tận diệt, 20% số rạn san hô đã biến mất, một triệu chim biển và hàng trăm nghìn động vật biển đã chết vì do rác thải và ô nhiễm môi trường. Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên biển sẽ vượt cả số lượng cá. Biến đổi khí hậu và đại dương ấm lên khiến nước biển nhiễm axít hoá, tẩy trắng san hô, làm suy giảm đa dạng sinh học…

 

 
Các đại biểu tham dự buổi lễ
 
Nhằm tăng cường nhận thức của người dân trên toàn thế giới về tầm quan trọng của đại dương trong cuộc sống của nhân loại, cũng như để kêu gọi hành động nhằm bảo vệ đại dương, ngày 08 tháng 6 hàng năm được toàn cầu chính thức kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới.

Chủ đề của ngày Đại dương thế giới năm 2017 “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta” nhắc nhở chúng ta về vai trò to lớn của đại dương trong cuộc sống; về những tác động to lớn do chúng ta đã và đang gây ra đối với đại dương; sự cấp thiết cần phải phát động ngay những phong trào hành động vì đại dương trên toàn thế giới để tập hợp và tạo sức mạnh đoàn kết của con người nhằm bảo vệ đại dương, bảo vệ cuộc sống hành tinh của chúng ta.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Năm 2017 là năm đánh dấu 10 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây cũng là năm hướng tới kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 35 năm ngày ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, 15 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN và là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Vì vậy, việc tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt, tôi rất hoan nghênh và biểu dương Bộ đã phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ mít tinh.

 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các vị đại biểu trồng cây chắn cát tại bờ
 
Thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển đảo

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương tiếp tục khẳng định quan điểm và tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền biển đảo. Nối tiếp các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trách nhiệm ấy, nay tiếp tục được trao cho thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau. Do đó, Việt Nam chủ trương bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền hợp pháp bằng các biện pháp hòa bình, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần đoàn kết, phối hợp với cộng đồng dân cư vùng biển đảo củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo; chủ động bảo vệ các quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển.

Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Theo dõi sát tình hình Biển Đông, chủ động có những giải pháp phù hợp, yêu cầu các bên tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với mục tiêu đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
 


 

 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các đại biểu thả cá giống, tôm giống, làm tăng nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam
 
Thứ hai, tiếp tục huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển đảo. Đảng, Nhà nước ta khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển. Thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác (nhất là đánh bắt hải sản xa bờ) và môi trường thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão; tạo điều kiện và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2025 để trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua, tạo không gian biển theo giá trị tài nguyên, sinh thái nhằm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển đảo, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, hàng hải, khu phục vụ hậu cần nghề cá, điện, nước, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường biển.

Thứ ba, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững vùng biển đảo

Cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng biển, hải đao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án, từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”; tập trung nâng cao dân trí, thông qua chính sách giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề để bảo đảm mục tiêu thoát nghèo bền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả vùng biển đảo. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm của các hộ gia đình; thực hiện chính sách hỗ trợ để khuyến khích người nghèo vùng biển đảo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống. Bảo đảm nhu cầu thiết yếu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo vùng biển đảo.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển; chủ động phòng chống thiên tai. Bảo vệ môi trường biển vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương có biển. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vùng biển ven bờ. Vì vậy, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường biển. Không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên biển, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường biển.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển và hải đảo, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo, nhất là pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo, đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tăng cường vai trò quản lý biển cho các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ quản lý biển và hải đảo.

 

 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trồng cây lưu niệm tại Khu Du lịch Khai Long sáng 8/6
 
Tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Biển và hải đảo có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt đối với nước ta, là động lực phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới.

Trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng về các mặt như: Phát triển kinh tế các vùng biển và ven biển; bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế và công tác đối ngoại về biển, đảo; phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ biển, tổ chức điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển; tăng cường bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đầu tư xây dựng kết cấu, hạ tầng vùng ven biển; xây dựng đồng bộ khuôn khổ pháp lý về biển và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển…

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, song chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là: Việc phát triển kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển quá mức, dẫn đến nguy cơ nguy cơ cạn kiệt, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển; đã xảy ra và còn tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường biển; công tác quản lý tài nguyên - môi trường biển còn tồn tại một số bất cập; nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ môi trường biển còn chưa đồng đều; năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ bảo vệ biển còn hạn chế. Bên cạnh đó, trên Biển Đông hiện còn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, ảnh hưởng đến chủ quyền, quốc phòng - an ninh của Việt Nam.


 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà hướng dẫn các bạn trẻ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trồng cây chắn sóng đúng quy cách

 


 

Niềm vui của người đứng đầu ngành TN&MT và các bạn trẻ sau khi trồng xong một cây xanh
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Những hạn chế, thách thức kể trên, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực “đồng lòng, góp sức, chung tay” hơn nữa để bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia đồng thời khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và từng cá nhân trong cả nước hãy có những hành động thiết thực để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển của chúng ta. Cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của đại dương, biển và hải đảo đối với cuộc sống con người cũng như đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới của đất nước.

Thứ hai, tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường biển và hải đảo, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động làm sạch các bãi biển quê hương, không xả rác đặc biệt là rác thải ni-lông ở các bãi biển. Đó sẽ là những hành động thiết thực của Việt Nam nhằm hưởng ứng tuyên bố chung và bản kêu gọi hành động của Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc năm 2017.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và hải đảo một cách phù hợp với điều kiện của nước ta và tình hình quốc tế về biển nhằm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, góp phần làm giàu từ biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
 


Đông đảo các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham gia lễ mít tinh sáng 8/6 tại Khu Du lịch Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

 
Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển, đại dương, tạo cơ sở khoa học để phát huy tiềm năng của đại dương, biển và hải đảo Việt Nam, cũng như đề xuất được những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, a-xít hóa đại dương, bảo tồn các vùng biển và nguồn tài nguyên biển, các hệ sinh thái ven biển, phát triển nghề cá bền vững, phòng chống thiên tai, xâm thực bờ biển.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, gia tăng đan xen lợi ích về biển, đảo giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an ninh, chủ quyền trên biển.

Tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Tịnh đã trao 100 triệu đồng cho huyện Ngọc Hiển. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã trao tặng 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 15 triệu đồng cho hai mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Kết thúc Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu đã thả tôm, cá giống xuống biển và trồng cây chắn cát.


Bài & ảnh: Việt Hùng

 

Nguồn: Bộ TNMT