Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái

Cập nhật: 16/06/2017
Đây là một trong những mục tiêu Việt Nam hướng tới trong thời gian từ nay đến năm 2030 – mục tiêu này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
 
Quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam

Phát triển bền vững (PTBV) là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

PTBV cũng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. PTBV sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu PTBV đến năm 2030.

Trong PTBV, con người là trung tâm, là nhân tố cần được phát huy tối đa với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của PTBV. PTBV đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; dựng xây nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để PTBV đất nước.

PTBV tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận trước nhất những đối tượng khó tiếp cận, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Ngoài ra, việc PTBV đất nước lấy khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam

Với những quan điểm về PTBV thích ứng với xu thế chung của thế giới, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát cho PTBV Việt Nam đến năm 2030 là: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Thủ tướng đưa ra 17 mục tiêu PTBV và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, có những mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường như: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.

Các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp và phân công thực hiện Kế hoạch

Giai đoạn 2017 - 2020 có 07 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện, như: Hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và ban hành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030; xây dựng bộ cơ sơ dữ liệu về các mục tiêu PTBV; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu PTBV;…

Trong giai đoạn 2021 - 2030, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu PTBV, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới;…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, Kế hoạch đưa ra một số giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về PTBV và các mục tiêu PTBV của Việt Nam; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu PTBV; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu PTBV; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu…

Tại bản Kế hoạch, Thủ tướng phân công rõ trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức… kèm theo các hoạt động về giám sát, đánh giá, báo cáo. Chính phủ cũng sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ PTBV để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc thực hiện PTBV.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng các đề án, dự án nhằm triển khai tốt Kế hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện 17/115 mục tiêu cụ thể

Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ có vai trò phối hợp, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, kiểm soát việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và quy định của pháp luật về kiểm soát xả thải các hóa chất độc hại gây ô nhiễm không khí, đất và nước; tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước; tích cực kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm môi trường, áp dụng các chế tài mạnh mẽ nhằm xử lý các trường hợp vi phạm; áp dụng chế độ quan trắc tự động, liên tục và giám sát chặt chẽ nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện; rà soát khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải hóa chất độc hại ra môi trường để ban hành quy định pháp luật đầy đủ, phù hợp nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiêm môi trường; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm; cải thiện môi trường sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân;…

Một số nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã được Thủ tướng phân công cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; điều tra, lập danh mục, bảo vệ và phát triển nguồn gen; nghiên cứu, xây dựng quy định hướng dẫn cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen…
Nguồn: Tổng cục môi trường