(TITC) - Vừa qua, tại Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa đạng, các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường du lịch nói chung, môi trường các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia nói riêng. Cùng với sự gia tăng về lượng khách thì lượng chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia. Sự phát triển du lịch cũng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và sự thay đổi môi trường sống của các loài động thực vật. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những ảnh hưởng, biến đổi nhất định.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thỏa đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về mối quan hệ giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành Du lịch vẫn chưa có đầy đủ các văn bản quản lý về hoạt động bảo vệ môi trường du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc phát triển du lịch trong những năm vừa qua đã có những ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Tại nhiều điểm, khu du lịch còn xuất hiện chất thải, nước thải chưa qua xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái diễn ô nhiễm sau xử lý còn xảy ra tại một số khu vực…Chính vì vậy, ngành Du lịch xác định, bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đối với các khu, điểm du lịch quốc gia việc bảo vệ môi trường lại càng là yêu cầu cấp thiết.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (NCPTDL) xây dựng Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch quốc gia. Bộ tiêu chí này được xây dựng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để đánh giá mức độ thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, có thể kiểm soát chặt chẽ hơn việc bảo vệ môi trường của các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch quốc gia trên toàn quốc.
TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL cho biết: sau hơn một năm nghiên cứu từ thực tiễn ở Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế, Viện NCPTDL đã đề xuất Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch quốc gia cho 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (bao gồm cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Nhóm tiêu chí bắt buộc là những tiêu chí cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch; Nhóm tiêu chí khuyến khích là những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ cho cơ sở.
Bộ tiêu chí được cấu trúc như sau: Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở ăn uống, gồm 45 tiêu chí. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở bán hàng lưu niệm, gồm 43 tiêu chí; Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở vui chơi giải trí, gồm 47 tiêu chí. Đi kèm với với mỗi bộ tiêu chí là tài liệu hướng dẫn thực hiện từng tiêu chí cụ thể đối với các loại hình cơ sở du lịch dịch vụ.
Về dự thảo của bộ tiêu chí, Viện NCPTDL đã lấy ý kiến từ các Sở VHTTDL/Sở Du lịch; các khu điểm du lịch tiêu biểu trên toàn quốc. Đồng thời tiến hành thử nghiệm phổ biến và lấy ý kiến trực tiếp tại Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Điểm du lịch làng nghề Bát Tràng (Hà Nội). Qua các ý kiến nhận được và thực tế điều tra, khảo sát cho thấy, đa phần các cơ sở dịch vụ du lịch, các cơ quan quản lý về du lịch và môi trường ở địa phương đánh giá bộ tiêu chí là phù hợp và rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm cần phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Dự kiến đến cuối năm 2017, Bộ Tiêu chí trên sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, đây sẽ là công cụ hữu hiệu tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Bài và ảnh Thế Phi