Condotel – mô hình kinh doanh căn hộ- khách sạn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay không chỉ riêng ở Việt Nam. Giới kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng thì lạc quan với mô hình này, tuy nhiên, tính pháp lý của nó vẫn còn chông chênh.
Vingroup, Sun Group, FLC… đã rất liều lĩnh, mạo hiểm
Tại tọa đàm: “Thị trường Condotel và nỗi lo thừa cung?” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cho rằng, ông là người trong cuộc nên có những nhìn nhận lạc quan hơn và không đến mức là một nguy cơ giống như tên của toạ đàm về thừa cung.
Ông Thành cho rằng, hiện có nhiều ý kiến việc cung cầu Condotel, song ông lại yên tâm bởi dòng tiền đổ vào Condotel đến nhiều từ nhà đầu tư, có tính bền vững. Huy động nguồn vốn xã hội tức là đi từ nhu cầu thực tế, chia sẻ tính rủi ro…. Những đặc thù này tạo ra bền vững trong hoạt động của Condotel.
“Condotel gắn liền với những vị trí đắc địa, tốt nhất, đại gia nào đến sớm sẽ có vị trí đẹp, còn những người đến sau thì vị trí bớt đẹp đi. Tôi đánh giá rất cao những nhà đầu tư như Vingroup, Sun Group, FLC… đã rất liều lĩnh, mạo hiểm trong việc phát triển mô hình condotel từ rất sớm” – ông Thành nêu.
Dòng tiền đầu tư vào bất động sản nghĩ dưỡng tiếp tục tăng trưởng
Nhiều thông tin nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp từ 9-10%, đảm bảo trong 10 năm, ngoài ra còn nhiều ưu đãi khác. “Với nguồn vốn đầu tư bất động sản sang Hoa Kỳ 3 tỷ USD trong thời gian qua là không nhỏ, tôi không nói nó thất thoát gì nhưng cho thấy tiềm ẩn vốn trong dân không hề nhỏ. Condotel huy động được nguồn vốn đó”- ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành nguồn cung Condotel đưa ra thị trường chưa phải là thoả mãn với nhu cầu thị trường hiện tại cũng như chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng cho du lịch hiện tại nhưng nó giải toả được điểm nghẽn, tạo ra dòng chảy tốt hơn.
Trong khi đó, theo TS Lê Đăng Doanh, Condotel với Việt Nam còn tương đối mới mẻ nhưng đây là sản phẩm của thời đại kinh tế chia sẻ. Trên thế giới, số người phải chuyển tới các thành phố khác tăng lên rất cao, nhiều người có căn hộ không chủ động cho mục đích là căn hộ khách sạn nhưng khi chuyển đi nơi khác phải cho thuê qua các ứng dụng cho thuê phòng với mức giá rẻ. Rẻ hơn giá các khu khách sạn. Đây là xu hướng cần ủng hộ.
Tính pháp lý cho Condotel còn chông chênh
Tuy nhiên, theo ông Thành, điều băn khoăn và bất cập có thể trở thành rủi ro với mô hình bất động sản nghỉ dưỡng này là tính pháp lý vẫn còn chông chênh, chưa được hoàn thiện.
Các luật đều vướng khi phát triển, hoàn thiện sản phẩm Condotel như tính tương thích với giao dịch khách hàng có thể có rủi ro, quá trình phát triển phân khúc này khác với đầu tư khách sạn thông thường.
Condotel mới phát triển 2 năm nhưng cũng đã bộc lộ những vấn đề quản lý, dịch vụ, sử dụng bộ máy hiện có.
“Ngoài ra các nhà đầu tư với cam kết trong giới hạn tối đa 10 năm, kịch bản sẽ như thế nào, không biết sẽ là kịch bản hay như “Người phán xử” hay thành “Sống chung với mẹ chồng”- ông Thành ví von.
Về những khó khăn pháp lý của Condotel, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Condotel là loại hình bất động sản mới và các Luật chưa quy định cụ thể, chứ chưa phải chưa có.
Đối với những dự án du lịch nghỉ dưỡng hiện áp dụng theo Luật Đầu tư và chủ yếu các nhà đầu tư được địa phương chỉ định thầu hoặc giao đất.
“Condotel nếu đúng như trước đều là các dự án khách sạn cho thuê, nhưng nhà đầu tư muốn chia sẻ lợi ích, huy động vốn trong dân và muốn bán đi thay vì chỉ cho thuê. Tôi chưa thấy sổ đỏ nào ở Condotel, Tổng cục Đất đai cũng nói là chưa bao giờ thấy sổ đỏ”- ông Thường nói.
Về tính pháp lý của Condotel, Thủ tướng đã giao cho 3 bộ nghiên cứu. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn loại hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ là xây dựng, quản lý, sở hữu tài sản trên đất. Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý quản lý tài chính phát triển mô hình này.
“Sắp tới, cơ sở pháp lý của các loại hình như này được tính đến rõ ràng hơn. Về nguyên lý thì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”- ông Thường nêu quan điểm.
Mặc dù vậy, trên quan điểm của người dân, ông Thường cho rằng, đây là loại hình chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư. Khách hàng được đánh giá là yếu thế hơn chủ đầu tư bởi hợp đồng do chủ đầu tư soạn chứ không phải là thỏa thuận.
“Cam kết phải do nhà nước quản lý thì chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được… Nếu là người dân tôi cũng lo ngại”- ông Thường chia sẻ quan điểm.
Thái Linh