Nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý khẳng định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế không ai khác hơn là thế hệ trẻ. Bởi họ đích thị là chủ nhân tương lai.
Tìm về văn hóa di sản
Tiếp xúc với cô dược sĩ trẻ Dương Hà Minh Khuê, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, hẳn người đối diện sẽ cảm nhận được năng lượng tuổi trẻ tràn đầy và tình yêu với văn hóa truyền thống ở cô gái xinh xắn này. Vốn tiếng Anh khá chuẩn, Khuê trở thành thành viên ban quản trị của Cộng đồng tiếng Anh IZI Huế từ khi còn là sinh viên, cùng IZI Huế lan tỏa tình yêu với văn hóa di sản đến các bạn trẻ khi tổ chức chương trình IziDiscovery vào thứ bảy hàng tuần.
Các bạn trẻ giới thiệu giá trị văn hóa nhà vườn Huế với du khách
Với IziDiscovery, các bạn trẻ được luyện tập, tương tác tiếng Anh, được chia sẻ những kiến thức về văn hóa du lịch và sau đó là đi thực tế quảng bá với khách du lịch nước ngoài. Hàng tháng, Khuê cùng IZI Huế tổ chức chương trình trải nghiệm tìm hiểu, khám phá di sản và các giá trị văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ ở các làng nghề, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Minh Khuê cho biết: “Trước làn sóng hội nhập, những nét đẹp truyền thống đang dần bị phai nhạt, chúng em mong muốn khơi dậy tình yêu với văn hóa di sản truyền thống trong lòng các bạn trẻ thông qua những hoạt động này”.
Một thành viên khác của IZI Huế là Nguyễn Trần Bảo Uyên, sinh viên ngành Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế. Uyên kể, từ sở thích được khám phá, trải nghiệm cảnh đẹp của quê hương, Uyên tìm hiểu kiến thức về văn hóa di sản Huế rồi đi khắp các ngõ ngách, khám phá những danh thắng, thưởng thức ẩm thực Huế. Mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của Huế đến du khách, Uyên thử sức làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho khách nước ngoài. Cô gái nhỏ nhắn tâm sự: “Trân trọng những giá trị di sản quê mình, em thấy mình có trách nhiệm trong việc tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa, góp sức đưa văn hóa Huế đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Có thể mong ước ấy quá lớn lao, nhưng việc lớn thường bắt nguồn từ những việc nhỏ”.
Tín hiệu vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về với văn hóa di sản của cha ông. Nhiều bạn trẻ sinh trưởng ở Huế và cả những người phải duyên Huế ở lại với Huế đã làm rất nhiều điều ý nghĩa cho xứ sở thơ mộng này. Nhiều nghệ sĩ trong CLB Ca Huế là những người trẻ luôn đau đáu tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn Ca Huế. Việc phổ biến, quảng bá các di sản văn hóa Huế đang được nhiều bạn trẻ thực hành qua các hoạt động nhiếp ảnh, những dòng status trên facebook về cảnh đẹp Huế, ẩm thực Huế đến với bạn bè khắp cả nước. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh như Văn Đình Huy, Nguyễn Đức Trí… đã có nhiều album quảng bá hình ảnh Huế.
Nhiều người trẻ là những nhà nghiên cứu khoa học, như: Phạm Ngọc Bảo Liêm, Võ Vinh Quang, Đoàn Vinh Dự, Trần Văn Dũng... với nhiều công trình khoa học, góp phần tôn vinh, bảo tồn di sản Huế. Hàng trăm các bạn trẻ là phóng viên, là những cây viết văn trẻ cũng âm thầm cống hiến nhiều tác phẩm về nền văn hóa Huế. Những hoạt động thầm lặng ấy đã và đang tạo nên màu sắc Huế, hình ảnh Huế.
Vun đắp tình yêu cho thế hệ trẻ
Trò chuyện với nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý, ông cho rằng, thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Huế, vì thế, cần đặc biệt quan tâm đến thế hệ này. Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nói: “Đây là những “hạt mầm” cần nhân rộng. Cần rất nhiều yếu tố để vun đắp tình yêu với văn hóa truyền thống, văn hóa di sản cho lớp trẻ. Không chỉ tuyên truyền mà phải tạo cho lớp trẻ niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương ngay từ khi còn nhỏ”.
Theo ông Hải, quan trọng nhất là giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị nhân văn từ khi các em còn trên ghế nhà trường. Thứ nữa là thường xuyên tuyên truyền trực quan về các giá trị lịch sử, cảnh đẹp quê hương, văn hóa truyền thống qua truyền hình, các phương tiện thông tin để tạo cho lớp trẻ ấn tượng về nơi mình sinh sống. Điều quan trọng nữa là gia đình biết cách vun đắp lòng tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương từ khi các cháu chập chững, biết nói, đi học... Yêu từng con đường, ngõ xóm; hiểu về lịch sử gia đình, dòng họ, miền quê, từ đó vun đắp cho họ tình yêu với văn hóa di sản, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thấm đẫm tình cảm gia đình, quê hương, thế hệ trẻ sẽ gìn giữ và có ý thức làm cho Huế đẹp hơn.
Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang- Tạp chí Sông Hương cho rằng, thế hệ tiền bối phải là tấm gương cho các bạn trẻ học hỏi, phải tạo lập, khơi dựng lại một “ngôi nhà văn hóa Huế” hấp dẫn, để người trẻ có thể tiếp nối “an trú” trong ngôi nhà đủ đầy giá trị vật thể và phi vật thể ấy của nhân loại. Theo anh, “Rất cần những hành động đóng góp, cống hiến, những sáng kiến của người trẻ để văn hóa Huế trường cửu những tinh hoa như tiền nhân đã gầy dựng. Muốn vậy cần tạo cơ hội cho người trẻ cách ứng xử như thế nào với văn hóa Huế, di sản Huế, là những giá trị sẽ thuộc về họ trong tương lai. "
Nguyễn Trần Bảo Uyên bày tỏ nguyện vọng: “ Chúng em rất mong được tạo điều kiện để có nhiều cơ hội được khám phá và trải nghiệm văn hóa lịch sử Huế, như được miễn phí vé tham quan di tích hoặc phải trả mức phí rất thấp. Khi tổ chức các dự án cộng đồng cho giới trẻ tìm hiểu văn hóa di sản, chúng em cũng mong được tiếp sức qua các nguồn tài trợ...”.
Về vấn đề này, ông Hải cho biết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế không thể là sự tự thân của mỗi ai. Để vun đắp tình yêu với văn hóa di sản cho lớp trẻ, cần sự quan tâm của xã hội, các ngành, các cấp tạo điều kiện để các em có thể thâm nhập sâu hơn. Nếu các em tổ chức các hoạt động thâm nhập thực tế, tìm hiểu di tích một cách hiệu quả, chúng ta có thể hỗ trợ bằng cách miễn vé. Nếu các em muốn tìm hiểu sâu về nhã nhạc, các đơn vị nghệ thuật có thể biểu diễn, giới thiệu, hướng dẫn...
Bài, ảnh: MINH HIỀN