Người Huế thường nhắc đến các di tích đã trở thành những biểu tượng của vùng đất. Sự nhắc lại đó giống như gợi về những gì thuộc về ký ức của người đang ở Huế lẫn người Huế xa quê. Bảo vệ các di tích văn hóa Huế chính là bảo vệ ký ức của một cộng đồng Huế.
Năm ngoái, việc trùng tu đài Chiến sĩ trận vong, quen gọi là bia Quốc Học, trở thành một cuộc tranh luận từ báo chí đến mạng xã hội, giữa các cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu, người dân…
Tại sao lại tranh luận đầy sự trái chiều? Đơn giản, người dân nhìn đài Chiến sĩ trận vong như một điểm nhấn của không gian, của sinh hoạt văn hóa, đời thường mà gần như tất cả các thế hệ học trò xứ Huế, kể từ khi có đài Chiến sĩ trận vong, đều một lần ghé đến, để chơi, để lưu lại những khoảnh khắc của tuổi học trò. Việc này vẫn tiếp tục đối với những người đã chuyển màu tóc, đã xa lắm tuổi học trò, hình ảnh những nhóm cựu học sinh Đồng Khánh – Hai Bà Trưng, Quốc Học chụp ảnh kỷ niệm ngày thành lập trường, ngày ra trường tại đây… đã quá đỗi quen thuộc.
Huế còn có cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn, chợ Đông Ba và nhiều di tích khác nữa. Những thứ đó đã trở thành những giá trị tìm về của ký ức. Bóng dáng Huế được khắc họa từ những nét như vậy.
Nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây Pierre Nora, trong cuốn sách “Những di chỉ của ký ức” (Les lieux de mémoire), đã chỉ ra rằng: "Con nguời dù ở bất cứ thời đại nào cũng đều mang trong mình những ký ức của thời đã qua, những ký ức đó đọng lại trong tâm thức để trở thành cái gọi là di sản và truyền thống. Chính qua những ký ức mà con người cảm nhận được lịch sử. Đó có thể là những ký ức vật thể, như những lâu đài, cung điện, những pho tượng và đài tưởng niệm, hoặc là những ký ức phi vật thể như những bài hát, diễn văn, điếu văn, các thiết chế, các dòng họ…. đều được hình thành trong bối cảnh lịch sử nhất định diễn ra trong quá trình hình thành của dân tộc".
Lịch sử, văn hóa Huế được dựng xây có những điều như thế. Và chính những điều này níu kéo người Huế trong một chiều kích của không gian và thời gian, để họ trân quý những giá trị của riêng mình. Bảo tồn những giá trị đó trở thành xương sống cho bảo tồn văn hóa Huế. Việc sửa chữa cầu Trường Tiền hiện nay vừa gia cố vừa khôi phục các hạng mục theo hướng nguyên bản dựa trên ảnh tư liệu chính là góp phần trả lại những giá trị thuộc về ký ức của chính cây cầu này.
Bảo vệ không gian văn hóa từ những di tích không phải là việc dễ dàng, giống như việc dùng dằng giữa công nhận và chưa công nhận một di tích gây tranh cãi như đài Chiến sĩ trận vong, thế nhưng nó thuộc về ký ức của số đông. Có lẽ, đến lúc, chúng ta phải thừa nhận rằng, có những di tích không có tấm bằng công nhận nhưng có ý nghĩa với cộng đồng thì cần tôn trọng và cần có định hướng bảo tồn.
Đình Đính