Vừa qua, tại TP. Hải Phòng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo khoa học "Giá trị và các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà".
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tại hội thảo, các nhà khoa học trong nước đưa ra những nghiên cứu về đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn tại Hạ Long - Cát Bà, điểm tạo nên sự đặc trưng của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; trình bày về nhóm loài như: lưỡng cư, bò sát, dơi, và các loài ít được nghiên cứu khác cũng như các vấn đề quản lý...
Đây sẽ là một cơ hội tốt để các đại biểu thảo luận và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn các OUV tại Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Theo khảo sát, đến nay ghi nhận có 4.622 loài thực, động vật trên cạn và dưới nước tại Hạ Long và Cát Bà. Trong đó có các loài động vật tiêu biểu như: vọoc, 47 loài bò sát, 30 loài dơi và các loài động vật lưỡng cư. Đặc biệt, những loài như: thạch sùng mí, dơi bao đuôi râu đen, dơi cánh dài, ếch cây nhỏ đá vôi, nhái cây Cát Bà là những loài mới được phát hiện, chỉ có ở Cát Bà và Hạ Long.
Trong xu thế hiện nay với sự phát triển kinh tế và du lịch, nguy cơ đe dọa đến đa dạng sinh học tại hai địa điểm Hạ Long và Cát Bà là rất cao. Các hoạt động như du lịch, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng khiến cho môi trường tự nhiên tai đây bị biến đổi và tác động lớn. Đồng thời, việc khai thác trái phép các loài động thực vật phục vụ nhu cầu thực phẩm và các mục đích khác cũng đe dọa tới sự đa dạng sinh học. Hoạt động buôn bán các loài động vật ngoại lai cũng đều gây hại cho hệ sinh thái bản địa.
Việc bảo tồn có sự liên kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. Nếu như biết khai thác một cách khôn khéo sự đa dạng sinh học ở Cát Bà và Hạ Long thì không chỉ ngành kinh tế ngành du lịch phát triển mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, đem lại nguồn thu nhập cho địa phương. Nhưng cũng cần có chế tài hợp lí để quản lí chặt chẽ việc du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như việc buôn bán, săn bắt các loài động vật để không phá hủy cảnh quan thiên nhiên cũng như phá hủy sự đa dạng sinh học của vùng. Ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo khoa học chính là cơ sở và tiền đề cho việc đề ra các giải pháp hữu hiệu để gắn kết việc bảo tồn đa dạng sinh học với sự phát triển bền vững. Đó cũng là cơ sở và tiền đề để tái đề cử di Di sản Thiên nhiên thế giới với Vịnh Hạ Long.
Đăng Hùng