Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác bảo tồn voi, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 quy định về bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk với 6 chính sách quan trọng gồm: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo tồn Voi; Quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả voi nhà; Chăm sóc sức khoẻ, bảo tồn và phát triển đàn voi nhà; Hỗ trợ voi nhà sinh sản; Bảo tồn sinh cảnh nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã; Hạn chế xung đột giữa voi với người.
Voi bị khai thác du lịch quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của voi
Xung đột voi rừng với người gia tăng.
Trong những năm 1980, đàn voi hoang dã tại Đắk Lắk có trên 550 cá thể, thì nay chỉ còn khoảng 60-80 con. Những năm gần đây, voi hoang dã xung đột với con người với tần xuất năm sau nhiều hơn năm trước. Từ tháng 6/2012 đến nay, đã có hơn 100 đợt voi hoang dã di chuyển đến những khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp của nhân dân và các doanh nghiệp kiếm ăn, phá hoại làm thiệt hại hàng trăm ha cây trồng như chuối, mỳ, cao su, bắp, lúa... phá chòi canh rẫy trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, EaSúp, Cư Mgar và Ea H’leo. Đã có trường hợp voi tấn công làm chết và bi thương con người như: năm 2011 voi sát hại 1 người thuộc huyện Ea H’leo, năm 2012 voi sát hại 1 người ở huyện EaSúp, và 01 người bị gãy chân vào năm 2016.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Huỳnh Trung Luân giám đốc trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng voi hoang dã xung đột với người được xác định là do con người tác động quá mức đến rừng nguyên sinh trong quá trình khai thác lâm sản cùng với việc chuyển đổi rừng sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp đã làm cho môi trường sống của voi hoang dã ngày càng thu hẹp, nguồn thức ăn bị khan hiếm dần, nhất là vào mùa khô. Từ đó, voi rừng đã thường xuyên đến nương rẫy nơi có nhiều thức ăn “để giải quyết cái đói” dẫn đến xung đột với người cũng là bất khả kháng.
Ông Huỳnh Trung Luân cho biết thêm: Nguyên nhân đàn voi rừng giảm mạnh là có tình trạng bị săn bắn trộm để lấy ngà, như năm 2012 đã có 3 cá thể voi rừng bị sát hại bằng súng đạn. Một nguyên nhân nữa là do biến đổi khí hậu, mùa khô nguồn nước từ các sông suối khô cạn đã làm nhiều voi con chết trong lúc theo mẹ đi kiếm ăn, tìm nước uống. Trong hơn một năm qua, đã có đến 5 cá thể voi rừng con hoang dã bị chết trong đó có 3 voi con sa xuống hồ nước. Từ năm 2009 đến nay đã thống kê được 22 cá thể voi rừng bị chết.
Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk chăm sóc cá thể voi rừng bị trúng bẫy
Voi nhà giảm mạnh
Vào những năm 1980 toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 502 cá thể voi nhà, thì nay chỉ còn 44 cá thể. Voi nhà tập trung ở 2 huyện Buôn Đôn và huyện Lắk chủ yếu sử dụng vào mục đích phục vụ khách du lịch và tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương. Cỡi voi lội sông, thăm rừng là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Đắk Lắk mà du khách trong và ngoài tỉnh đến Khu du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn và điểm du lịch Hồ Lắk, huyện Lắk đều muốn được cõi voi.
Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nhận định: Đặc tính của voi là ăn nhiều loại cây trong rừng, nhưng hiện nay diện tích rừng tự nhiên để chăn thả voi nhà ngày càng bị thu hẹp và cách khá xa vùng nuôi voi nhà. Vì vậy chế độ ăn hàng ngày cho voi không được đảm bảo về dinh dưỡng, hơn nữa voi nhà phải thường xuyên phục vụ khách du lịch đã làm giảm tuổi thọ, khả năng sinh sản của voi. Hơn nữa mô hình quản lý voi hiện nay là độc lập theo từng tổ chức, hộ gia đình để phục vụ khai thác du lịch thường xuyên, nên voi nhà không có cơ hội gặp gỡ, giao phối để đi đến sinh sản. Ghi nhận trong 30 năm qua, voi nhà tại Đắk Lắk đã không sinh sản, trong khi số lượng voi đang giảm dần qua các năm.
Voi con Gold lạc mẹ lúc 2 tháng tuổi được cứu hộ nuôi thành công tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk được 1 năm, cao 1.3 m, nặng 260 kg rất khỏe mạnh
Hiện thực hóa bảo tồn voi
Triển khai Nghị quyết 78 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn voi đã hiện thực hóa “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020. Mục tiêu tiêu là: Bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh voi; ngăn chặn, phong ngừa hiệu quả xung đột voi với người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà voi và dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.
Ông Huỳnh Trung Luân chia sẻ: Từ những chính sách đề ra đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn voi, đó là kiểm soát được quần thể voi hoang dã, thực hiện các giải pháp làm giảm thiểu xung đột voi với người, thành lập các tổ chức bảo vệ voi, hỗ trợ thiệt hại cho người dân khi bị voi phá, tấn công.
Hiện nay, trung tâm bảo tồn voi đã được cấp 200ha đất rừng nguyên sinh tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn làm sinh cảnh để bảo tồn voi. Trong năm 2015, 2016 trung tâm đã cứu hộ được hai cá thể voi rừng bị trúng bẩy và voi rừng con bị lạc đàn. Hiện nay, hai cá thể này đang được chăm sóc và phát triển tốt tại trung tâm và sẽ từng bước đưa trở lại thiên nhiên trong khu vực 200ha rừng nguyên sinh. Đây là vùng bán hoang dã để 2 các thể voi hoang dã sinh sống nhưng cũng là vùng để làm nơi chăn thả voi nhà tạo điều kiện cho voi nhà gập gỡ, giao phối để sinh sản.
Đối với voi nhà, hàng năm voi được khám chữa bênh định kỳ, nhà nước hỗ trợ 100% tiền khám chữa bệnh và thuốc chữa bệnh cho voi.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk trao tiền hỗ trợ cho ông Y Mứ Bkrông chủ voi cái Bang Nang sinh sản
Trong năm 2015, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã thực hiện thành công việc tạo sinh cảnh để voi nhà của hộ ông Y Mứ Bkrông chủ voi cái Bang Nang giao phối mang thai được hơn 20 tháng dự kiến sinh vào cuối tháng 9/2017. Đây là tín hiệu vui đối với Tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung sau 30 năm voi nhà không thấy sinh sản. Voi nhà manh thai chủ hộ Y Mứ Bkrông đã được trao kinh phí 171 triệu đồng bù cho việc voi đi phục vụ du lịch để chủ voi yên tâm chăm sóc voi Bang Nang đến khi sinh voi con nuôi lớn thành công.
Cùng thời điểm này có 5 cặp voi nhà thả trong rừng tự nhiên để giao phối. Trong quá trình theo dõi cho thấy các cặp voi rất thân thiện bên nhau và thực hiện các hành vi giao phối. Công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk đang mở ra triển vọng mới cho việc bảo tồn voi nhà.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong bảo tồn voi hiện nay là quần thể voi hoang dã tuy đã được giám sát nhưng số lượng còn khoảng 60-80 cá thể và sinh cảnh sống tự nhiên suy giảm, chia cắt đang ảnh hưởng rất lớn cho phát triển bền vững.
Trong khi đó, voi nhà có 44 con (25 voi cái và 19 voi đực) chỉ còn là 25 con gồm 16 voi cái và 19 voi đực trong độ tuổi sinh sản. Nhưng để voi gặp gỡ giao phối mang thai có hiệu quả cao thì vẫn cần sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để sự phối hợp giữa chủ voi và Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk trong việc chăm sóc sức khỏe cho voi, xác định thời điểm voi cái động dục đưa vào rừng thả để gặp gỡ giao phối là vấn đề mấu chốt để ngày càng có nhiều những voi mẹ sinh sản như voi Bang Nang./.
Đình Thắng