Theo nhận định của các tổ chức bảo tồn, mặc dù số vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm gần đây có giảm, nhưng vấn nạn này vẫn đang hoành hành tại Việt Nam. Trong đó, mẫu vật tiêu thụ nhiều nhất là sừng tê giác và ngà voi. Điều đáng nói là, “đằng sau những chiếc sừng tê giác, ngà voi ấy là máu của rất nhiều người. Vì thế chúng ta cần phải truy tìm, ngăn chặn các băng đảng tội phạm buôn bán động vật hoang dã, để bảo vệ sự sống đa dạng của nhân loại,” Đại sứ Anh Giles Lever nói.
“Nóng” nạn buôn bán các "loài sách đỏ”
Thông tin tại hội thảo “Chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” diễn ra ngày 7/9 tại Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công An) cho biết: Trong những năm qua, hoạt động vận chuyển, mua bán các loài động thực vật hoang dã (gọi tắt là các loài sách đỏ) ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp.
Hoạt động mua bán các loài động vật hoang dã quý hiếm đã tạo doanh thu bất hợp pháp, làm suy yếu sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, cũng như gây bất ổn an ninh quốc gia và nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm mới.
Còn theo đại diện Cục Cảnh sát môi trường, các đối tượng tham gia đường dây buôn bán động vật hoang dã thường là người Việt Nam thông qua các hoạt động thương mại quốc tế cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài; người nước ngoài, Việt kiều vào Việt Nam dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các đường dây buôn bán xuyên quốc gia.
Cùng với đó, phương thức hoạt động của các đối tượng phạm tội cũng rất tinh vi như: Sử dụng giấy tờ giả, giấu sừng tê giác, ngà voi trong các hộp quà lưu niệm, các lớp giấy bạc và trong “lõi” các loại hàng hóa khác như đá nhân tạo, thân gỗ…
Thống kê của cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ năm 2015 đến nay cho thấy, có gần 17.000kg ngà voi, hơn 300kg sừng tê giác, và hơn 5.000kg tê tê (bao gồm vảy và cá thể) bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ.
Trên phương diện là đơn vị kiểm soát đầu vào, đại diện Cục Hải quan thừa nhận: Thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm bao gồm cả mẫu vật của loài có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ… diễn ra rất phức tạp.
Phương thức vận chuyển của các đối tượng phạm tội thường rất tinh vi. Phần lớn các đối tượng phạm tội thường vận chuyển “hàng” thông qua các tuyến đường bộ (cửa khẩu biên giới), hàng không và đường biển. Do đó, việc kiểm tra, phát hiện tang vật gặp rất nhiều khó khăn.
Đằng sau sừng tê giác, ngà voi là...máu
Nhìn nhận từ góc độ quốc tế, ngài Giles Lever, Đại sứ Anh tại Hà Nội cho biết: Vấn nạn buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác qua địa phận của Việt Nam đang góp phần làm giảm đáng kể các loài động vật quý hiếm trên thế giới.
Mặc dù Việt Nam đã cam kết sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhưng mọi nguồn lực từ các quốc gia tiêu thụ và trung chuyển các sản vật từ động vật hoang dã cần phải được huy động để xác định và triệt tiêu các mạng lưới tội phạm đằng sau các vụ buôn bán bất hợp pháp.
“Vì thế, chúng ta cần phải giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Chúng ta vẫn thường nói máu của kim cương, bởi viên kim cương nhìn rất hấp dẫn, có khi rất bé, rất đẹp nhưng rất nhiều người đã phải đổ máu,” Đại sứ Giles Lever chia sẻ.
Chứng minh cho thực tế nêu trên, Đại sứ Giles Lever cho hay: “Ở các khu rừng quốc gia của Nam Phi, không những là động vật hoang dã quý hiếm như tê giác, voi bị giết, mà những người đi săn còn nhẫn tâm sát hại dã man cả lực lượng kiểm lâm để đạt lấy bằng được sừng tê giác, ngà voi.”
“Như vậy, nếu chúng ta sử dụng sừng tê giác, ngà voi thì hãy nhớ đằng sau chiếc sừng, chiếc ngà ấy đã có rất nhiều người đổ máu. Hành động dã man đó có cần phải ngăn chặn để bảo vệ sự sống của cho các loài động vật hoang dã quý hiếm, bảo vệ thiên nhiên của chúng ta?” Đại sứ Giles Lever nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Cần truy đến cùng băng đảng tội phạm
Đại sứ Giles Lever cũng nhấn mạnh, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là vấn nạn toàn cầu. Tuy nhiên việc ngăn chặn tội phạm này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Lý dó là, những người tham gia vận chuyển tang vật động vật hoang dã thường không có quyền lực gì. Vì thế cần phải điều tra ai, băng đảng nào đứng sau những vụ buôn bán trái phép này, để có biện pháp ngăn chặn và xử lý tận gốc.
Theo Đại sứ Giles Lever, việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã thường là các hoạt động tội phạm mang tính chất quốc tế, đó là các băng đảng, hoạt động có tổ chức. Chúng đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ việc buôn bán bất hợp pháp này, từ đó gây ra các vấn đề tham nhũng ở trên toàn cầu.
Từ thực tế nêu trên, Đại sứ Giles Lever nhấn mạnh, để có thể chiến thắng cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tiệt chủng, cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa, cần phải nâng cao năng lực và hành động thực thi pháp luật đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của cộng đồng.
“Thông qua hội thảo chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã lần này, tôi hy vọng các chuyên gia của Việt Nam và Anh sẽ có dịp trao đổi, thảo luận, tìm kiếm các giải pháp chống nạn buôn bán động vật hoang dã, đưa số vụ buôn bán và vận chuyển trái phép các loài hoang dã về con số không,” Đại sứ Giles Lever nói.
Có chung quan điểm, ông Grant Miller, cán bộ cấp cao, Lực lượng Biên phòng Anh cho rằng: Để ngăn chặn mạng lưới buôn bán trái phép động vật hoang dã, Việt Nam cần chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan. Cũng như kêu gọi sự tham gia của các cán bộ, người dân vào việc thu thập thông tin tình báo.
Ông Grant Miller cũng chia sẻ kinh nhiệm của lực lượng cảnh sát Anh trong việc thiết lập thông tin tình báo, cũng như sử dụng chó nghiệp vụ để đấu tranh, phát hiện tang vật động vật hoang dã đang được vận dụng khá thành công ở Anh.
“Nếu cơ quan chức năng Việt Nam cần thông tin, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hướng đào tạo chó nghiệp vụ, cũng như ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã hiệu quả nhất,” ông Grant Miller nhấn mạnh./