Được gọi là đảo, nhưng không xa lắm từ đất liền, chỉ cách một dòng sông, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được che chắn bởi những dải đá trầm tích biến chất hàng trăm triệu năm tuổi và bao bọc chung quanh bởi 2 nguồn nước mặn và ngọt. Từ đó, nơi đây một nguồn tài nguyên phong phú, một cảnh quan môi trường nền nã được hình thành, tuy nhiên trong những năm qua, những giá trị ấy hầu như chưa được khơi dậy.
3. Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải
Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải tại Tam Hải cần phải được quan tâm và tiến hành các hoạt động ưu tiên một cách mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, sức khỏe cộng đồng tại địa phương. Bảo vệ môi trường và xử lý rác thải tại Tam Hải có thể được tiếp cận theo đề nghị sau:
Hình 4: Tờ rơi phân loại rác tại nguồn
A. Con đường đi của rác thải sinh hoạt tại Tam Hải
Con đường đi của rác thải sinh hoạt tại Tam Hải được bắt đầu từ bước phát sinh đến phân loại rác qua thu gom và điểm đến cuối cùng.
“Bước phát sinh”: Rác thải sinh hoạt tại Tam Hải được ra đời từ 4 nguồn phát sinh chính đó là (1) hộ gia đình, (2) nhà hàng, khách sạn, (3) chợ, trường học, cơ quan, (4) đường phố, nơi công cộng.
“Phân loại rác”: Rác thải được phân thành 3 nhóm riêng biệt là rác thải dễ phân hủy, rác thải khó phân hủy và rác thải tái chế hay còn gọi là rác thải ve chai ngay sau khi nó được hình thành. Hành động phân loại rác thải sinh hoạt một cách song hành tại thời điểm rác thải được hình thành gọi là phân loại rác tại nguồn.
“Thu gom” là biểu hiện của giai đoạn rác thải được thu gom từ khắp nơi trong thành phố và được đưa về các điểm đến cuối cùng. Thực hiện hoạt động thu gom rác thải được đề nghị chủ yếu là 3 lực lượng chính, đó là đơn vị thu gom xử lý huyện, các tổ thu gom tự quản và đội ngũ những người thu mua ve chai của địa phương.
“Điểm đến cuối cùng” là nơi hoặc là không gian mà rác được đưa về tập kết tại Tam Hải một thời gian dài hoặc được chế biến vận chuyển ra ngoài địa bàn Tam Hải. “Điểm đến cuối cùng được đề nghị trên con đường đi của rác thải sinh hoạt tại Tam Hải là bãi rác huyện Núi Thành, điểm compost cộng đồng, hộ gia đình và các cơ sở thu mua phế liệu..
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt tại Tam Hải vẫn còn một lượng đáng kể phát tán không kiểm soát được một cách tự do ngoài môi trường tại các bãi đất “hoang”, sông ngòi, bãi biển. Lượng rác thải sinh hoạt phát tán này sẽ được thu gom thông qua các phong trào dọn vệ sinh, làm sạch bãi biển, dòng sông chung tại Tam Hải và các xã lân cận.
B. Quản lý rác thải sinh hoạt tại Tam Hải
Quản lý rác thải sinh hoạt tại Tam Hải sẽ được thể hiện rõ nét qua hai mối quan hệ chỉ đạo và hợp tác. Mối quan hệ chỉ đạo thực hiện các quy định về quản lý rác thải sinh hoạt tại Tam Hải được thể hiện theo con đường quản lý Nhà nước từ UBND Núi Thành phố xuống UBND Xã Tam Hải, Thôn và Tổ Nhân dân thông qua sự tham mưu trực tiếp của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời mối quan hệ chỉ đạo còn được thể hiện trực tiếp từ UBND huyện/xã xuống đơn vị thu gom, xử lý tại bãi rác Núi Thành, điểm compost cộng đồng. Mối quan hệ hợp tác được thể hiện tư vấn kỹ thuật, giáo dục, truyền thông về quản lý rác thải sinh hoạt tại Quảng Nam, Núi Thành, Tam Hải giữa các bên liên quan, hội đoàn thể, tổ chức quốc tế đến cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý rác thải tại địa phương.
Hình 5: Rác thải bắt đầu tấn công các điểm du lịch tại Tam Hải
4. Tổ chức hoạt động du lịch sinh thái Tam Hải
Tổ chức hoạt động du lịch tại Tam Hải cần phải thực hiện theo các nguyên tắc thỏa mãn nhu cầu của du khách, trên cơ sở 2 khái niệm được phân biệt là: chất lượng dịch vụ sinh thái (phần này do thiên nhiên mà cụ thể là các kiểu hệ sinh thái tại Tam Hải cung cấp thông qua hoạt động bảo tồn và phát triển); chất lượng dịch vụ du lịch (phần này do các công ty du lịch và người dân cung cấp). Đồng thời 2 chất lượng dịch vụ này có liên quan với nhau thông qua việc chia sẻ lợi ích thu được từ dịch vụ sinh thái đến người dân và công ty du lịch. Hiện nay thách thức lớn nhất và khó khăn lớn nhất đối với sự bền vững của du lịch sinh thái Tam Hải là sự suy giảm chất lượng dịch vụ sinh thái, ngoài giá trị các dải đá trầm tích biến chất với niên đại hàng trăm triệu năm tuổi; đó là bãi biển quá nhiều rác, nghèo cá tôm, cảnh quan môi trường biển và rừng ngập mặn và phòng hộ ven biển bị nham nhở và sự không cân bằng về phân chia lợi ích thu được từ dịch vụ du lịch cũng như chất lượng dịch vụ sinh thái. Vì vậy nếu chúng ta không chú ý đến việc nâng cao hoặc cũng cố lại chất lượng dịch vụ sinh thái và chất lượng dịch vụ du lịch cũng như sự mất cân bằng trong phân chia lợi ích giữa cộng đồng người dân địa phương và công ty dịch vụ du lịch thì những nỗ lực khác như quảng bá, kêu gọi đầu tư, miễn phí du khách đến Tam Hải… e rằng sẽ rất khó hiệu quả. Đã đến lúc để cho du lịch sinh thái Tam Hải được mở rộng và phát triển bền vững có nghĩa là được ổn định lâu dài, chúng ta cần quan tâm đến đối tượng của chúng ta là nhu cầu của du khách. Mà nhu cầu đó cần được đo đạc đến mức độ khách du lịch biết đến Tam Hải, hiểu Tam Hải, hòa mình vào Tam Hải và tự đánh giá Tam Hải là điểm đến hữu ích, xứng đáng với đồng tiền, thời gian của du khách bỏ ra. Vì vậy để hỗ trợ cho phát triển du lịch sinh thái tại Tam Hải, ngoài nhiệm vụ bảo tồn cần được phục hồi, tổ chức, vận hành như thảo luận ở trên, thì chất lượng các hoạt động du lịch cần phải quan tâm tiếp theo hơn là các đầu tư công trình. Các hoạt động du lịch cần phải được tổ chức thế nào để du khách có thể cảm thấy đói, khát, mệt, thèm thuồng khi đến với Tam Hải và như vậy Tam Hải cần phải có những khoảng không gian rộng để thỏa mãn các hoạt động cơ bắp, sáng tạo, thẩm mỹ…Các bãi biển dài, rộng từ Bãi Bấc, Bãi Nồm đáp ứng đủ điều kiện đó để du khách có thể tham gia các hoạt động thể thao trên cạn như bóng đá, bóng chuyền bãi biển, chạy, đi bộ…Các vùng rạn san hô và các thảm rong biển đi kèm bọc chung quanh các Hòn Mang, Hòn Dứa đáp ứng đủ các các hoạt động thể thao dưới nước như bơi, lặn, ngắm, xem cảnh quan dưới nước. Các dải đá trầm tích biến chất hàng trăm triệu năm tuổi phơi bày nền nã đủ để du khách có thể lội bộ, tìm kiếm, chiêm ngưỡng, nghiên cứu, học tập. Một khoảng không gian rộng của vũng An Hòa, nơi du khách có thể du thuyền thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, các làng chài, sự tập nập của cảng cá, đô thị biển, hoặc hiện đại hơn là hoạt động cảng biển Kỳ Hà…Xuôi ngược dòng sông từ vùng cửa biển là các dải rừng ngập mặn, nơi có thể tìm thấy sự dập diều của các đàn chim dư cư khi mùa đông về hoặc hè đến. Mệt và mỏi với hoạt động biển, du khách nhanh chóng trở về với làng chài về với các câu chuyện cộng đồng với các giới thiệu văn hóa mà người dân Tam Hải đã cùng với hòn đảo này sinh sống bao đời nay. Và cũng từ đó các nhu cầu cơ bản của đời sống du khách sẽ gia tăng, nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ…gia tăng một cách bình thường, giảm nhẹ các đề cập đến những yêu cầu quá ư xa xỉ, hiếm, quý tại địa phương, trong khi những sản vật này đang trong tình trạng cần được phục hồi.
Di sản thiên nhiên và văn hóa bao gồm rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn, vùng cửa sông, rạn san hô, thảm cỏ biển, cảnh quan môi trường, cùng với tài nguyên nhân văn…phải được tuyệt đối bảo vệ, gìn giữ. Sinh kế của người dân địa phương bao gồm đánh bắt thủy sản và nông nghiệp phải được duy trì và phát triển, theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận hệ sinh thái. Du lịch sinh thái được đầu tư cân bằng và hợp lý giữa các vùng từ thượng nguồn ra đến biển lớn. Phần biển đảo du lịch sinh thái nên chú trọng chính yếu vào chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như: bãi biển dài, rộng, trắng, sạch; làn nước biển trong xanh ngọc bích; cảnh quan địa chất, rạn san hô, thảm cỏ biển, đa dạng sinh học biển….Phát triển dịch vụ du lịch đặc biệt ưu tiên và chỉ dành cho người dân địa phương trên đảo và mang tính chất hoạt động tích cực như đi bộ, đi xe đạp, homestay, snorkeling, diving, thể thao bãi biển. Ưu tiên phát triển dịch vụ ăn uống nhanh không sử dụng nguồn cá, tôm, động thực vật tự nhiên của đảo. Ưu tiên phát triển các dịch vụ hỗ trợ du lịch học tập, nghiên cứu, đào tạo đến từ các trường học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, resort được phân bố trong vùng đất liền ven biển.
5. Bài học kinh nghiệm và ý tưởng đề xuất
Mặc dầu kết quả mang lại từ các hoạt động bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn Tam Hải mới chỉ là bước đầu, như những ánh bình minh đang trổi dậy, nhưng những nỗ lực của cộng đồng bà con ngư dân Tam Hải trong hơn 10 năm qua là vô cùng to lớn và đầy ý nghĩa trong sự nghiệp bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên và môi trường tại địa phương. Trong thời gian đến, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, sự chia sẻ trách nhiệm của các bên liên quan, sự tham gia và nỗ lực của cộng đồng, hy vọng rằng, bà con nhân dân Tam Hải chúng ta sẽ chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường, cảnh quan, các rạn san hô và nguồn lợi sinh vật đi kèm, để khai thác, sử dụng được lâu dài, bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Sự hình thành và phát triển Khu Bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, di sản địa chất Tam Hải, Núi Thành sẽ cùng với Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh, Hội An, Công viên Địa chất Lý Sơn tạo thành một mạng lưới bảo tồn biển và di sản Quảng Nam – Quảng Ngãi góp phần gia tăng lợi ích của bảo tồn, làm giàu nguồn lợi sinh vật biển, nâng cao hiệu quả khai thác và cải thiện đời sống của bà con ngư dân ven biển của chúng ta, và phát triển kinh tế xã hội địa phương và vùng.
Đề nghị khung quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất, cảnh quan môi trường vùng Tam Hải phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tiếp cận bảo tồn để phát triển kinh tế xã hội, di sản và quản lý di sản! Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên tại xã đảo Tam Hải được mô tả bao gồm: nền đá trầm tích biến chất với niên đại hàng trăm triệu năm, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi biển, vùng cửa sông. Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên này cùng với con người Tam Hải đã tạo nên các giá trị văn hóa và cộng đồng tại đây. Thiên nhiên, văn hóa, cộng đồng đã tạo nên Di sản; Như vậy Di sản được cấu thành bao gồm: Tài sản và giá trị dịch vụ (dịch vụ sinh thái, giá trị văn hóa). Quản lý di sản theo kiểu truyền thống là quản lý nhà nước cả về tài sản và giá trị dịch vụ. Cách quản lý này bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu nguồn lực đầu tư cho sự gia tăng giá trị dịch vụ. Vì vậy Nhà nước cần sự chia sẻ hoặc sự tham gia cùng quản lý với các thành phần cơ bản trong xã hội bao gồm nhà quản lý, doanh nghiệp, khoa học và người dân địa phương. Một vài ví dụ cho sự chia sẻ quản lý trong thực tế như: trường hợp Ninh Bình (chia sẻ giữa Nhà nước và Doanh nghiệp); Bảo tàng Dân tộc học (chia sẻ giữa Nhà nước và nhà khoa học); Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (chia sẻ giữa Nhà nước, nhà khoa học và người dân). Tuy nhiên một sự chia sẻ hoàn hảo là sự chia sẻ giữa 4 thành phần cơ bản của xã hội là Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương. Trường hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại xã đảo Tam hải là thí điểm về sự chia sẻ giữa 4 nhà này. Quản lý Di sản được chia sẻ giữa 4 nhà này được gọi là quản lý tổng hợp hoặc gần đây được thể hiện là xã hội hóa. Trong Di sản, phần tài sản vẫn thuộc quyền quản lý duy nhất là quản lý Nhà nước. Phần giá trị dịch vụ được kêu gọi cho xã hội hóa hoặc quản lý tổng hợp.
Ví dụ về trường hợp bảo tồn biển Cù Lao Chàm, phần giá trị dịch vụ được chia sẻ giữa Nhà nước, nhà khoa học và người dân, với sự hỗ trợ ban đầu từ Đan Mạch cho giai đoạn 2003 – 2006: 1 triệu USD, giai đoạn 2006 – 2009: 1,5 triệu USD. Thu vé dịch vụ (riêng về du lịch), bắt đầu từ 2007, tuy nhiên đáng kể nhất là từ 2009 đến nay. Từ năm 2018 dự tính thu mỗi năm 50 tỷ VNĐ (vé tham quan Cù Lao Chàm: 70.000 VNĐ/người x 700.000 du khách; tương đương với đầu tư cho giai đoạn từ 2003 – 2009). Như vậy giả sử nếu không có sự hỗ trợ từ Đan Mạch và Chính phủ Trung ương thì Chính phủ địa phương Quảng Nam phải đầu tư 50 tỷ VND cho xây dựng Bảo tồn biển cho giai đoạn từ 2003 – 2009. Hoặc là phải kêu gọi sự chia sẻ từ doanh nghiệp cho nguồn lực đầu tư này và có chủ trương chia sẻ nguồn thu từ vé tham quan sau này để doanh nghiệp thu hồi lại vốn ban đầu. Trường hợp Bảo tồn Tam Hải cũng tương tự: Cần một cơ chế chia sẻ quản lý giá trị dịch vụ theo phương thức xã hội hóa hoặc quản lý tổng hợp. Vì vậy cần đầu tư chia sẻ ban đầu từ doanh nghiệp và tạo cơ chế thu hồi vốn thông qua vé tham quan được bán cho du khách.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia vào xã hội hóa hoặc quản lý tổng hợp với vai trò là điều phối hoạt động bảo tồn phải là những doanh nghiêp với phẩm chất cao mang bản chất của một nền kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn, kinh tế hiện đại. Tham gia kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn và là kinh tế hiện đại, bản chất doanh nghiệp đó được thay đổi, đầu tiên tập trung vào lợi ích cộng đồng, lợi ích của thiên nhiên và sau cùng mới là lợi ích của doanh nghiệp (không bố thí). Trong khi hướng kinh tế truyền thống, kinh tế không thân thiện với môi trường thì phần lớn doanh nghiệp tập trung vào tối đa lợi nhuận cho mình trên cơ sở kinh doanh không vi phạm pháp luật và sau đó đánh bóng tên tuổi mình bằng chiến lược bố thí, nhân đạo.
Hình 6: Mối quan hệ giữa 4 nhà quản lý, doanh nghiệp, khoa học, người dân và doanh nghiệp bảo tồn với chức năng điều phối hoạt động bảo tồn
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sinh kế cộng đồng phụ thuộc và nguồn tài nguyên và môi trường cần phải điều tra, khảo sát một cách đầy đủ theo các nguồn lực bao gồm tự nhiên, xã hội, năng lực con người, tài chính và vật chất, cơ sở hạ tầng. Đồng thời để dễ dàng cho cộng đồng tiếp cận với việc phân tích hiện trạng quản lý tài nguyên và môi trường tại các địa phương, khung hệ thống DPSIR (dẫn lực, áp lực, hiện trạng, tác động và giải pháp) cần được áp dụng. Đáp ứng yêu cầu trên, khung nghiên cứu điều tra, khảo sát hiện trạng quản lý sử dụng tài nguyên môi trường và sinh kế tại Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển hợp lý tại địa phương được đề nghị.
6. Kết luận
Tam Hải được nhận diện cho sự phát triển bền vững về sinh kế cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội không chỉ bao gồm giá trị di sản thiên nhiên từ cảnh quan địa chất với những dải đá hàng triệu năm tuổi kỳ vỹ, đường nét, của sự phong phú các kiểu hệ sinh thái đặc trưng, sự giàu có nguồn lợi sinh vật, của văn hóa làng chài, mà còn là những nỗ lực, những đóng góp của bà con ngư dân mong muốn có được các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường cùng với các thành phần liên quan trong những năm qua. Mặc dù, có sự gián đoạn trong duy trì và phát triển các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, hành động của bảo tồn, tuy nhiên những kiến thức và kinh nghiệm này của cộng đồng sẽ là nguồn lực quý báu đóng góp cho sự phục hồi, phát triển bảo tồn tại Tam Hải, góp phần cải thiện sinh kế và kinh tế xã hội địa phương.
Chu Mạnh Trinh - Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm