Tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam năm 2017

Cập nhật: 13/09/2017
Nhằm mục đích xây dựng năng lực cho các nhà bảo tồn trẻ Việt Nam, đặc biệt tập trung vào bảo tồn các loài thú linh trưởng, Hội Động vật học Frankfurt – CHLB Đức phối hợp với Trung tâm đa dạng sinh học nước Việt xanh (Greenviet) và Trường ĐH Sư phạm–ĐH Đà Nẵng tổ chức khóa tập huấn “ Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017”. Nhân sự kiện này, Hội sẽ công bố “Giải thưởng Tilo Nadler dành cho nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam”.

Sáng 8-9, Khóa tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017 đã diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và các bạn sinh viên trên cả nước.

Về dự khóa tập huấn có: PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Võ Châu Tuấn – Trưởng khoa Sinh – Môi trường trường ĐHSP; TS. Hà Thăng Long – Trưởng Đại diện Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam; Chuyên gia Tilo Nadler – Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Việt và hơn 20 bạn sinh viên xuất sắc trong các ngành sinh học, quản lý tài nguyên môi trường đến từ các trường Đại học trên cả nước.

Chuyên gia Tilo Nadler – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Việt chia sẻ tại buổi tập huấn - Ảnh: Thanh Thảo

 

Tại buổi tập huấn, TS. Võ Châu Tuấn cho biết: “Mục tiêu của khóa tập huấn là kết nối các bạn sinh viên ưu tú có đam mê bảo tồn thú linh trưởng với nhau. Đồng thời, khóa tập huấn còn giúp các bạn phát triển kĩ năng chuyên sâu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Và trên hết là phát triển kĩ năng cộng đồng, kĩ năng hoạt động xã hội, kỹ năng kết nối và làm việc nhóm. Tất cả sẽ tạo cho các bạn một nền tảng cơ bản để phát triển công việc trong tương lai”.

20 học viên xuất sắc được tham gia khóa tập huấn lần này được tuyển chọn kỹ lưỡng qua 2 vòng xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn trực tiếpKhóa tập huấn diễn ra trong vòng 9 ngày (8/9-16/9/2017) trong đó: 3 ngày học lý thuyết (8,9 và 16/9/2017) tại Trường Đại học Sư phạm; 6 ngày học thực địa (10-15/9) tại VQG Kon Ka Kinh, Gia Lai.

Tham gia khóa tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức và kỹ năng bao gồm: Kiến thức bảo tồn thú linh trưởng trên thế giới và Việt; Luật pháp liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã; Các phương pháp nghiên cứu về thú linh trưởng; Kỹ năng của một nhà nghiên cứu ngoài thực địa.

Kết thúc khóa tập huấn sinh viên có ý tưởng xuất sắc hoặc giải pháp sáng tạo cho công tác bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam sẽ được tài trợ để thực hiện nghiên cứu.

Trong buổi tập huấn đầu tiên, ông Tilo Nald – Nhà linh trưởng học người Đức, người có hơn 20 năm đầy tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn thú linh trưởng Việt nam chia sẻ: “Trong vòng 10 năm trước đây, việc nghiên cứu bảo tồn động vật tại Việt Nam chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài và con số đó rất nhỏ. Trong bối cảnh một đất nước có nguồn đa dạng sinh học cao, số loài linh trưởng rất lớn nhưng những người làm công tác nghiên cứu lại quá ít, bên cạnh đó thực trạng săn bắn động vật, môi trường sống của các loài ngày càng bị thu hẹp càng cho thấy việc thiếu nhân lực, con người có kỹ năng, kiến thức để làm công tác bảo tồn cần được chú ý. Chính vì vậy hoạt động đào tạo nhân lực bảo tồn như khoá tập huấn hôm nay rất thiết thực”.

Ông cho biết thêm, nhân dịp này Hội sẽ trao Giải thưởng Tilo Nadler dành cho nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam.

Bạn Lương Thị Kim Kiều (Sinh viên ngành Quản lí tài nguyên môi trường – Trường ĐHSP – ĐHĐN) hào hứng: “Mình rất vui và vinh dự khi được tham gia khóa tập huấn này. Đây sẽ là cột mốc đánh dấu sự thay đổi bản thân mình. Nó giúp mình tìm được nguồn đam mê, có được nhiều mối quan hệ mới, mở ra cơ hội việc làm trong tương lai. Không những thế, thông qua khóa tập huấn mình sẽ học được nhiều kĩ năng thiết yếu và bổ ích cho bản thân”.

Đình Tuấn- Anh Phương - Mai Quang – Thanh Thảo

Nguồn: Trường ĐH Sư phạm–ĐH Đà Nẵng