Việt Nam tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Trong 23 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đã đạt được một số thành tựu nổi bật.
Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Nghị quyết số 49/114 tháng 12 năm 1994 đã quyết định lấy ngày 16/9 hàng năm là “Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn”. Hàng năm, tất cả các nước thành viên Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn. Sáng ngày 15/9, tại Hội An, Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2017.
Tầng ô-dôn, tấm lá chắn bảo vệ tất cả sự sống trên Trái đất khỏi các tác hại nguy hiểm của tia bức xạ cực tím từ mặt trời, đã bị suy giảm. Lỗ thủng lớn tầng ô-dôn đã xuất hiện ở Nam Cực vào thập niên 1970. Nguyên nhân tầng ô-dôn bị suy giảm, đe dọa mọi sự sống trên hành tinh chúng ta là do cùng với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, con người đã sản xuất, sử dụng và phát thải vào khí quyển một lượng lớn hóa chất có tiềm năng phá hủy tầng ô-dôn.
Nhận thức rõ nguy cơ nêu trên và quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ô-dôn, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ô-dôn vào năm 1994 và cũng đã lần lượt phê chuẩn các Sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen, Montreal và Bắc kinh của Nghị định thư Montreal. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto của Công ước.
Năm 2017 ghi dấu mốc kỷ niệm 30 năm Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, đồng thời cũng đánh dấu chặng đường 23 năm Việt Nam tham gia và thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Là một Bên thuộc Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình Nghị định thư quy định. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Trong 23 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đã đạt được một số thành tựu nổi bật.
Theo đúng lộ trình quy định của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở theo lộ trình của Nghị định thư.
Đối với chất Methyl Bromide, Việt Nam đã cấm sử dụng chất này cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch cho hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Tại Khóa họp các Bên thuộc Nghị định thư Montreal lần thứ 28 vào tháng 10 năm 2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Rwanda, các nước đã thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali để loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Các chất HFC không phải là chất làm suy giảm tầng ô-dôn; tuy nhiên, đây là những chất có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao. Các chất HFC được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy. Theo quy định của Sửa đổi, bổ sung Kigali, đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, các chất HFC sẽ bị loại trừ dần từ năm 2029 và chỉ còn 80% lượng tiêu thụ cơ sở được sử dụng từ năm 2045 trở đi.
Hiện nay có 4 nước thuộc Nghị định thư Montreal đã phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, bao gồm Mali, quốc đảo Micronesia, Marshal và Rwanda. Một số nước trong khu vực hiện cũng đang tiến hành đánh giá, xem xét việc phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali.
Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã xác định, Việt Nam bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển như thông thường (BAU) và mức đóng góp có thể được tăng lên thành 25 % khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương. Việc xem xét loại trừ dần các chất HFC và thay thế bằng công nghệ sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên, có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp và hiệu suất sử dụng năng lượng cao sẽ góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal và sẽ xem xét, phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali.
Cùng với hoạt động kỷ niệm 30 năm Nghị định thư Montreal, 23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Tọa đàm là diễn đàn để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận và có những ý kiến, đóng góp bổ sung để hoàn thiện Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, từ đó là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý và loại trừ dần các chất HFC khi có đủ điều kiện phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.