Lịch sử và văn hóa ngày càng ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn điểm đến của du khách, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khu bảo tồn thiên nhiên… là những điểm đến hấp dẫn, mang đến nhưng trải nghiệm ấn tượng cho du khách.
Nhận định trên được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập” do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Theo tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, du lịch văn hóa và du lịch di sản trở thành một trong những định hướng về sản phẩm được nhiều quốc gia chú trọng đến, nhất là những nước đang phát triển. Trong đó, thiết chế bảo tàng với những nội dung hoạt động của nó trở thành sản phẩm độc đáo, điểm đến không thể thiếu trong việc phát triển loại hình du lịch trên. Thế nhưng ở nước ta, hệ thống bảo tàng chỉ mới dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử, chưa tạo được sức hút là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Tính riêng tại TP.HCM, cả thành phố có 14 bảo tàng nhưng chỉ có duy nhất Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được ghi nhận là có sức hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Hằng năm, hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố chỉ đón trên 2,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm chưa tới 30%. Tiến sĩ Tuấn cho rằng, nguyên nhân là do hệ hống bảo tàng trong nước chưa quan tâm tới nhu cầu và thị hiếu của du khách, thiếu chiến lược gắn kết với các công ty lữ hành, còn kém về marketting. Hiện vật phong phú nhưng phương pháp trưng bày lạc hậu, đơn điệu và tẻ nhạt, thiếu thông tin để du khách tìm hiểu về giá trị của hiện vật. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu các dịch vụ bổ trợ…
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Ảnh: H.Q
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia nhấn mạnh, phát triển du lịch di sản là hết sức cần thiết để nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, và giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn, quảng bá, tôn vinh di sản đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội từ du lịch di sản cần có nhìn từ hai phía. Các sản phẩm du lịch của bảo tàng luôn mang những giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ… Vì thế, phát triển loại hình du lịch này cũng chính là quảng bá, gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa dân tộc đến công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Đặc biệt hơn nữa là đưa nguồn “tài nguyên” di sản trở thành “di sản sống”.
Dẫn chứng về sự thành công của Thái Lan trong phát triển du lịch văn hóa, tiến sĩ Phan Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, trong xu hướng ngày càng hội nhập sâu rộng, không nên vì lo ngại về những tác động từ các hoạt động kinh tế có thể gây thiệt hại mà đóng cửa di sản. Các địa phương cần mạnh dạn có chiến lược lâu dài với những phương án giữ chân du khách lâu hơn, tiêu biểu như ở Khu di tích núi Sam của tỉnh An Giang.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Hà Thị Thùy Dương (Học viện Chính trị khu vực IV) nhấn mạnh khi một di sản văn hóa được đưa vào khai thác phát triển du lịch, cộng đồng càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn và phát huy các di sản đó, bởi hoạt động bảo tồn liên quan trực tiếp đến cuộc sống cũng như lợi ích của họ. Và khi đó, di sản văn hóa tồn tại thông qua hoạt động của chính cộng đồng địa phương, chủ thể của di sản văn hóa đó. Trong đó, đô thị cổ Hội An là một điển hình tiêu biểu.
Muốn vậy, du lịch phải khai thác hợp lý di sản văn hóa bằng các hoạt động quảng bá điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm mang nhiều giá trị của di sản văn hóa, giáo dục ý thức bảo vệ di sản cho du khách và cộng đồng địa phương, đầu tư ngược lại cho công tác bảo tồn giá trị di sản để tăng tính hấp dẫn của điểm đến, bảo vệ môi trường di sản và đào tạo lực lượng hướng dẫn viên chất lượng cho các điểm đến di sản. Đây cũng là lời giải cho bài toán hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch hiện nay.
Hoàng Quân