Trước đây, rùa biển đã từng xuất hiện và đẻ trứng ở hầu hết các bãi cát tại Cù Lao Chàm, trong đó nhiều nhất là các khu vực Bãi Bấc, Bãi Ông, Bãi Bìm,.. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế nên việc bắt rùa biển để ăn thịt, hoặc lấy trứng rùa trong thời gian dài đã làm quần thể rùa biển ở đây đang có nguy cơ bị biến mất.
Những quả trứng rùa đang ấp được đem về từ Côn Đảo để phục hồi quần thể rùa biển tại KBT biển Cù Lao Chàm
Rùa ở Cù Lao Chàm suy giảm nghiêm trọng
Rùa biển thuộc nhóm Bò sát, giống như các loài rùa nước ngọt, ba ba, cá sấu, rắn...vv. Hiện nay, rùa biển đang bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể. Theo các ngư dân lão luyện cho biết, khoảng hơn 20 năm, họ không còn thấy rùa biển về đẻ ở khu vực Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Văn Vũ- Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết: “Nguyên nhân rùa ở Cù Lao Chàm suy giảm nghiêm trọng là do phần lớn thời gian sinh sống của chúng ở dưới nước, nên rất dễ bị sa vào các lưới hoạt động khai thác hải sản trong vùng. Trong khi đó, hầu hết các ngư cụ khai thác hiện nay đều không có thiết bị cho việc thoát rùa biển. Điều đó làm tăng số lượng rùa biển bị đánh bắt một cách không chủ ý”.
Theo kết quả khảo sát gần đây cho thấy, chỉ riêng các xã ven biển tỉnh Quảng Nam đã có 635 phương tiện khai thác hải sản hoạt động trong Khu bảo tồn (KBT) biển Cù Lao Chàm. Nghề khai thác chủ yếu là: lưới rê, nghề câu, lưới kéo và lưới vây.
Chỉ riêng tại xã Tân Hiệp, đã có khoản 345 hộ đang hoạt động khai thác gần xung quanh các đảo Cù Lao Chàm. Trong đó, nghề lưới 3 lớp được xác định thường xuyên có rùa biển mắc phải.
Theo báo cáo của BQL KBT biển Cù Lao Chàm thì từ năm 2016 đến nay, đã có 11 cá thể rùa biển bị mắc lưới của ngư dân, nhưng chỉ có duy nhất 01 cá thể được phát hiện và giải cứu kịp thời, 10 cá thể còn lại đều bị chết trước khi được phát hiện.
420 chú rùa sau khi nở được thả về biển tại KBT biển Cù Lao Chàm
Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn là nơi hoạt động của nhiều phương tiện đến từ các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định. Điều này đã tạo thêm áp lực cho công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản nói chung và rùa biển ở Cù Lao Chàm nói riêng.
Cần có bãi để rùa quay về đẻ trứng
Mặc dù có cuộc sống rong ruổi khắp các đại dương, nhưng Rùa biển có tập tính rất đặc biệt mà tới ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được, đó là chúng có khả năng quay trở về chính nơi chúng đã sinh ra để tiếp tục sinh đẻ, duy trì nòi giống.
Rùa biển thường chọn các bãi cát sạch, hoang vắng hoặc ít có sự tác động của con người để sinh đẻ. Rùa rất sợ ánh sáng và tiếng động mạnh. Do đó, trước khi quyết định lên bãi cát nào đó để đẻ, chúng thường có hoạt động “thám thính” ở vùng nước trước khu vực bãi vào lúc chiều tối. Khi thấy an toàn, đợi lúc thủy triều lên cao và đêm khuya tĩnh mịch chúng mới bò lên để đẻ trứng, sau đó thực hiện các động tác xóa vết tích nhằm không cho kẻ thù tìm ra được tổ trứng của mình.
Đầu tháng 9/2017, ngư dân địa phương đã phát hiện được 1 tổ trứng rùa biển (32 quả) trên rạn san hô tại khu vực đảo Hòn Dài ở độ sâu khoảng 10 mét. Đây được ghi nhận là trường hợp rất hiếm gặp cả ở Việt Nam và trên thế giới, vì tập tính của rùa biển là phải đẻ trên bãi cát.
Những chú rùa được thả về biển trong sự vui mừng của khách du lịch và người dân trên đảo Cù Lao Chàm
Một số chuyên gia về rùa biển nhận định: có thể cá thể rùa này đã từng được sinh ra ở Cù Lao Chàm trước đây, nay quay lại để sinh sản như tập tính tự nhiên của nó, nhưng vì không tìm được nơi an toàn để đẻ trứng nên rùa bị “tức trứng” phải đẻ dưới nước.
Ông Lê Xuân Ái- Cố vấn khoa học KBT biển Cù Lao Chàm cho biết: Khi du lịch tại Cù Lao Chàm bùng phát, hoạt động tấp nập của du khách tại các bãi tắm, phương tiện cano ra vào bãi thường xuyên, xây dựng các khu nghĩ dưỡng,..đã làm mất đi tính hoang dã, sự yên lắng vốn có ở nơi đây. Từ đó, rùa biển không còn nơi để đẻ mặc dù chúng đã tìm đường về được với Cù Lao Chàm nơi chúng đã được sinh ra.
Ông Nguyễn Văn Vũ- Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (BQL KBT biển Cù Lao Chàm) cho rằng: “Để công tác bảo vệ và phục hồi rùa biển tại Cù Lao Chàm đạt hiệu quả và bền vững, song song với giải pháp “chuyển vị” trứng rùa để bổ sung nguồn giống trong tự nhiên thì phải thực hiện đồng thời các giải pháp bảo tồn “nguyên vị” như: bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển; giải quyết vấn đề khai thác hải sản, đặc biệt là tại các vùng nước trước bãi cát; điều chỉnh hoạt động du lịch tại các bãi biển là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay”. Đây là một Thách thức đặt ra không hề nhỏ đối với công tác bảo vệ và phục hồi quần thể rùa biển quý tại KBT biển Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam.
Dương Bùi