Nói về Tây Ninh, người ta thường nhắc đến những địa danh như: Núi Bà Đen, Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền nam; Tòa thánh đạo Cao Đài; những món ăn như: Bánh tráng phơi sương, muối tôm,… Đây được xem là những tiềm năng lớn nhưng nhiều năm nay, địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp để phát triển du lịch.
Chưa phát huy được tiềm năng
Ở Tây Ninh không chỉ có khu du lịch quốc gia núi Bà Đen mà khách du lịch còn biết nhiều địa danh khác như: Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền nam, Tòa thánh đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng,… Ngoài ra, Tây Ninh khá nổi tiếng với những địa danh như Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Ma Thiên Lãnh - một “Đà Lạt” của Tây Ninh, với vẻ đẹp trong lành, hoang sơ.
Bên cạnh đó, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi như: Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam với số dân hơn 1,1 triệu người; có đường biên giới dài 240km giáp với ba tỉnh thuộc Vương quốc Cam-pu-chia với 16 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát) kết nối TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh, (Cam-pu-chia) Tây Ninh còn nằm trên tuyến đường xuyên Á đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức tua, tuyến du lịch, đưa đón du khách từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, các nước ASEAN và ngược lại.
Nhìn chung, tài nguyên du lịch của Tây Ninh phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố để phát triển các loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa.
Hồ Dầu Tiếng, điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh.
Lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi năm, ngành du lịch của tỉnh đón từ 2,2 đến 2,7 triệu khách du lịch trong nước và nước ngoài, doanh thu từ du lịch tăng trưởng hơn 10%/năm,... Đây là một con số đáng mơ ước đối với nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, phân tích kỹ, con số ấn tượng này không phản ánh đúng thực chất những sản phẩm, chất lượng du lịch mà Tây Ninh tạo ra trong cách làm du lịch bởi doanh thu từ du lịch năm 2016 của tỉnh chỉ đạt 770 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một phần ba so với doanh thu một năm của khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng). Có thể khẳng định, tổng doanh thu của ngành du lịch Tây Ninh có được chủ yếu đến từ các loại hình du lịch tâm linh tại khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài,… vào các dịp lễ hội đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho rằng: Du lịch Tây Ninh vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh. Nguyên nhân lớn nhất là do định hướng phát triển du lịch của tỉnh chưa rõ, thiếu tính chiến lược lâu dài, cơ sở hạ tầng còn thiếu, phát triển chậm và chưa đồng bộ, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng sản phẩm thấp...
Toàn tỉnh hiện mới có một khách sạn bốn sao do tỉnh đầu tư, còn lại chủ yếu là các nhà nghỉ quy mô nhỏ, không có các trung tâm vui chơi giải trí, điểm dừng chân đáp ứng được nhu cầu cao hơn. Hạ tầng giao thông đã được kết nối đến các địa điểm du lịch nhưng chất lượng lại rất thấp. Thí dụ, từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Ninh tuy chỉ dài 100 km nhưng khách du lịch phải đi gần ba giờ; cả tỉnh không có nhiều đơn vị có thể tổ chức các tua, tuyến du lịch chuyên nghiệp cho khách thập phương đến tham quan. Các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương còn ít và không đặc sắc, khác biệt, ngoài bánh tráng, muối tôm,… Đáng lo nhất là về nhân lực, bởi Tây Ninh không có đội ngũ được đào tạo để làm du lịch đúng nghĩa mà chỉ sử dụng lao động “tay ngang” từ các lĩnh vực khác,…
Cần những chiến lược và hành động cụ thể
Một câu chuyện có thật, rằng: Năm 2001, một địa phương bạn nghe danh đã tổ chức đoàn công tác đến Tây Ninh để tìm hiểu, tham quan và học tập mô hình về du lịch tâm linh. 10 năm sau đó, tỉnh bạn đã có những bước đi hết sức mạnh mẽ trong du lịch. Năm 2016, thu hút được 6,5 triệu du khách với doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng, trong khi ngành du lịch Tây Ninh gần như “vẫn dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, trong suốt nhiều năm, Tây Ninh không có một mô hình, hình thức đầu tư, kêu gọi để phát triển ngành du lịch cũng được đánh giá là nhiều tiềm năng của mình.
Một nhóm du khách khám phá núi Bà Đen.
Năm 2013, Tây Ninh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể: Phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như, sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch thương mại, công vụ; sản phẩm gắn liền với loại hình du lịch thăm thân, khám chữa bệnh; sản phẩm ẩm thực Tây Ninh.
Cùng theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, tỉnh đón khoảng 2,2 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế khoảng 16 nghìn lượt) và 4,1 triệu lượt khách tham quan. Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng doanh thu là 17,2%, tổng thu từ khách du lịch là 2.296 tỷ đồng; thu nhập du lịch (GDP du lịch) là 1.607 tỷ đồng; cơ sở lưu trú từ ba sao trở lên có 220 phòng; giải quyết được khoảng 7.400 người làm việc liên quan ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động gián tiếp của xã hội là khoảng 4.800 người. Trong giai đoạn 2021 - 2030: giải quyết được khoảng 21 nghìn người làm việc liên quan ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 14 nghìn người,...
Đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh đang cho thấy những động thái quyết tâm rất lớn để vực dậy ngành du lịch của tỉnh nhà. Tại hội thảo quốc tế “Du lịch Tây Ninh - Tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển” tổ chức mới đây, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết: “Qua nhiều lần làm việc và khảo sát thực tế, một nhà đầu tư đã đồng ý đầu tư tại khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Hiện, tỉnh cũng đã thành lập riêng một “tổ đặc nhiệm” để thực hiện tất cả công tác đánh giá, khảo sát, mời gọi doanh nghiệp đến Tây Ninh đầu tư vào lĩnh vực này”. Điều khiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trăn trở chính là tư duy và cách nghĩ, cách làm của tập thể lãnh đạo các cấp trong tỉnh về phát triển du lịch. Nếu gỡ được “nút thắt” này thì việc ngành du lịch Tây Ninh phát triển chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhấn mạnh: Du lịch của Tây Ninh chưa trở thành thế mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Du lịch có thể cất cánh nếu tỉnh có cách tiếp cận đúng, có chiến lược bài bản và hành động cụ thể, thực chất. Tiềm năng về du lịch của Tây Ninh chưa được khai thác có thể ví như một trang giấy trắng. Chúng ta có thể vẽ lên đó một bức tranh theo ý định của mình. Nhưng bức tranh đó đẹp hay không phụ thuộc rất lớn vào thái độ của chính quyền. Tại sao địa phương nào cũng có lợi thế nhưng chỉ một số tỉnh biết biến lợi thế đó để du lịch phát triển? Ninh Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu,… là những thí dụ như thế.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, Tây Ninh cần xây dựng và phát triển các loại sản phẩm du lịch cụ thể và bài bản như: Xây dựng thành phố Tây Ninh xanh, kêu gọi đầu tư tập trung vào phân khúc khách sạn bốn sao và năm sao để thu hút khách lưu trú; quan tâm đào tạo tiếng Anh cho lớp trẻ, chuẩn bị hội nhập ASEAN và quốc tế; bảo tồn Tòa thánh Cao Đài - công trình văn hóa khác biệt với khu vực và thế giới để thu hút khách du lịch quốc tế; phát triển farmstay, homestay, du lịch sinh thái, dịch vụ spa, lễ hội; khôi phục và phát triển làng nghề, ẩm thực, sản phẩm lưu niệm địa phương…
TRẦN QUANG QUÝ