(TCDL) - Từ năm 2000 trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã có tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2010-2017 đánh dấu sự ra đời của một loạt các khách sạn nghỉ dưỡng quy mô lớn từ 100-600 phòng, chất lượng cao tại các vùng ven biển, nhiều khu nghỉ dưỡng được nâng cấp và mở rộng quy mô.
Một trong những khu vực tăng trưởng cao về số lượng cơ sở lưu trú là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với 29,1% số cơ sở và 37,3% số buồng của cả nước. Sự ra đời của hàng loạt nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ở khu vực này đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư lớn đã có ý thức tiết kiệm năng lượng và tài nguyên (điện, nước), tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội của những dự án khách sạn, sự phát triển nhanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch kèm theo đó làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực đến khí hậu do lượng phát thải khí ngày càng tăng, nước thải không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Mức độ tiêu thụ tài nguyên ngày càng lớn mà chưa có hoạt động tích cực nhằm phục hồi, cân bằng sinh thái, về lâu dài có thể gây khan hiếm kiệt quệ tài nguyên nếu không lưu ý đến sức chứa và quy hoạch hợp lý. Một số đơn vị thiếu vốn và khó khăn trong việc đầu tư các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng hiệu quả như sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Nhiều cơ sở lưu trú do chủ đầu tư đồng thời là người quản lý, điều hành nhưng thiếu kiến thức, trình độ quản lý và vận hành tổ chức kinh doanh lưu trú du lịch nên việc quan tâm tới đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho nhân viên còn hạn chế, nhất là kiến thức về công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.
Xuất phát từ thực tế trên, Tổng cục Du lịch mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức về nội dung bảo vệ môi trường trong hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, nhãn xanh ASEAN và các quy định khác liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch cho các đơn vị trên địa bàn Khánh Hòa và các tỉnh lân cận từ ngày 12-14/10/2017.
Đến dự khóa tập huấn có đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận và Quảng Ngãi.
Các giảng viên đến từ Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Khách sạn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng thế giới đã cung cấp các kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, công nghệ mới, thực tế và phương cách bảo vệ môi trường không những đối với các cơ sở lưu trú mà còn hữu ích đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về du lịch. Các học viên đã đi khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara và Khách sạn nghỉ dưỡng Duyên Hà.
Thanh Bình
Nguồn: Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch