Đề xuất mô hình quản lý khu du lịch quốc gia

Cập nhật: 26/10/2017
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia.

Khu du lịch Tràng An

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, trên thực tế đã hình thành khu du lịch có quy mô quốc gia tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Để quản lý các khu du lịch này, một số địa phương đã thành lập ban quản lý, có nơi trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nơi trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia chưa thống nhất.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn về quản lý khu du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy cần phải thành lập đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thống nhất trên phạm vi toàn quốc tương tự như Ban quản lý khu kinh tế. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, không quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản luật chuyên ngành.

Vì vậy, để đưa hoạt động quản lý khu du lịch quốc gia vào nền nếp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, dự thảo Nghị định đề xuất quy định phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia căn cứ vào tính chất, quy mô, yêu cầu phát triển du lịch của địa phương, theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia trên địa bàn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định về thành lập đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia như sau: Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia được thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện nội dung quản lý khu du lịch quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Du lịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia căn cứ vào tính chất, quy mô, yêu cầu phát triển du lịch ; ban hành quy chế quản lý khu du lịch. Đối với khu du lịch quốc gia đã có đơn vị quản lý chuyên ngành do các Bộ thành lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với các Bộ về mô hình đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia.

Nguồn tài chính phục vụ cho công tác quản lý khu du lịch quốc gia bao gồm: Ngân sách nhà nước; khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại khu du lịch quốc gia; khoản tài trợ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia

Theo dự thảo, đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia có trách nhiệm công khai quy hoạch phát triển khu du lịch; quản lý việc thực hiện quy hoạch và đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo vệ, tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch; kiểm tra, giám sát các nội dung và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia quản lý và thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyên giao; phát hiện, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý các dự án đầu tư không đúng với quy hoạch hoặc có tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường; quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch.

Đồng thời, tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, giới thiệu cho khách du lịch về các điểm tham quan; về hệ thống các sản phẩm và dịch vụ du lịch đang được khai thác; tổ chức các khóa  đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa cộng đồng địa phương, nghiệp vụ du lịch, bảo vệ môi trường… cho các đối tượng; bảo đảm vệ sinh, môi trường du lịch; thực hiện phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn trong khu du lịch; đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch; bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa phương, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch và các nhiệm vụ khác do Ủy ban Nhân dân tỉnh giao theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn: Báo Chính phủ