Ngày 9 tháng 10, các trang báo mạng xã hội có rộ lên về việc một ca sinh nở không thành công. Đó là câu chuyện về Ban Nang, con voi được sinh ra và lớn lên cùng với người. Ban Nang 39 năm tuổi, lần đầu tiên sinh con, tiếc rằng chú voi con Pạc On lại không thể chào đời. Chú bị chết ngạt trong bụng mẹ.
Voi Ban Nang
Câu chuyện kết nối người đọc ở tình mẫu tử, ở mối quan hệ thiên nhiên – con người, nhưng ít ai biết được rằng phía sau đó là câu chuyện về bảo tồn voi nhà, voi hoang dã với những ước mơ và dự định lớn lao của các nhà khoa học. WWF đã có dịp trao đổi với những nhà bảo tồn, nhà quản lý và xin chia sẻ lại nội dung những cuộc thảo luận này với hy vọng những thông điệp ý nghĩa dưới đây. Cùng nhau, chúng ta hãy hy vọng, lên kế hoạch, và hành động để giữ lại thiên nhiên.
Ông Hoàng Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk:
Voi nhà Việt Nam: Ngàn đời phục vụ đời sống tâm linh, gần đây bị đưa vào phục vụ du lịch
Hiện tại ở Tây nguyên có 57 con voi nhà, trong đó Đắk Lắk nhiều nhất có 45 con, Đắk Nông: 3 con, Lâm Đồng: 8 con và Gia Lai: 1 con.
Từ ngàn năm nay voi đã được con người thuần hoá để phục vụ cho đời sống và tâm linh, đặc biệt là ở Tỉnh Đắk Lắk là địa phương duy nhất trong cả nước có truyền thống săn bắt voi rừng để thuần dưỡng từ lâu đời bởi những tộc người sống dọc sông SêrePok, voi được thuần dưỡng để phục vụ đời sống và tâm linh. Voi được coi là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có của buôn làng, trong từng gia đình, dòng họ voi được coi là thành viên cao quý và được chăm sóc nuôi dưỡng. Đây là những lý do chính voi sống với con người.
Những năm gần đây do nghèo khó các gia đình có voi đã phải chấp nhận sử dụng voi phục vụ du lịch. Đây là vấn đề nhức nhối cho công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk, vấn đề này rất được các tổ chức quốc tế quan tâm. Trung tâm Bảo tồn Voi đã rất có gắng để chăm sóc sức khoẻ cho voi nhằm thay đổi nhận thức cho cộng đồng du khách về cái nhìn nhân đạo với động vật.
Ông Wilem Schaftenaar Heij, một chuyên gia về voi của Hà Lan
Đàn voi nhà đầu tiên có thể được tái thả trong khoảng 2 đến 4 thập kỷ tới nếu bắt đầu công việc từ bây giờ
Tôi đã bị shock trước sự suy giảm của đàn voi rừng Việt Nam, bên cạnh hoàn cảnh không lấy gì làm sáng sủa của những con voi nhà, thường bị đưa vào phục vụ các tua du lịch. Tôi nhận ra rằng, nếu không hành động thì chỉ vài thập kỷ nữa, đàn voi rừng của Việt Nam sẽ mất đi vĩnh viễn và voi nhà thì cũng chẳng còn. Chúng tôi đã tiến hành chương trình đánh giá chu kỳ sinh sản của 8 con voi cái và lúc đó chúng tôi đã phát hiện ra voi Ban Nang đã có chửa, trong khi 7 con còn lại đang ở độ tuổi sinh sản. Điều này có nghĩa là có thể gây giống một đàn voi nhà và tái thả trong vòng 2 đến 4 thập kỷ tới. Ý tưởng này đã được Trung tâm bảo tồn ủng hộ.
Thả động vật hoang dã, bất kỳ là loài nào, về với thiên nhiên là một điều cực kỳ khó khăn. Điều kiện cần có là một cánh rừng – sinh cảnh sống an toàn có hàng rào bảo vệ. Những con voi, sau khi đã ở với người sẽ trở nên rất quen thuộc với người và hoàn toàn có thể trở nên nguy hiểm đối với con người, trong trường hợp này, hàng rào sẽ bảo vệ được cộng đồng con người sống xung quanh. Một chương trình tái thả có liên quan đến một đàn voi nhỏ cũng cần một khoảng thời gian khá dài: từ 20 đến 40 năm. Trong thời gian này, cần chuẩn bị rất nhiều việc: nghiên cứu về những đàn voi hoang dã hiện sống trong rừng, lắp đặt hàng rào, đảm bảo không có việc săn bắn trái phép, giáo dục truyền thông cho bà con địa phương và cán bộ quản lý dự án.
Thả một con voi đực vào hoang dã là một việc bất khả thi. Con voi được thả ra có thể bị giết chết khi cham trán với một con voi đực khác, ngoài ra chúng có thể trở nên rất nguy hiểm đối với con người vì trước đó chúng đã ở với người và không còn sợ con người nữa. Muốn thả voi thành công, cần thả một bầy voi với 1 “cơ cấu tự nhiên”. Trong trường hợp này, con voi đầu đàn sẽ là con được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt và sẽ là mẹ và bà của đàn voi tương lai.Đàn voi được thả sẽ bao gồm 1 con đầu đàn, 1 đến 2 con cái do con voi này sinh ra và tiếp theo là con non của chúng, bao gồm cả voi đực. Tôi tin là đàn voi như vậy sẽ được những con voi đực hoang dã tôn trọng.
Chúng ta có thể nghĩ đến 2 trung tâm nuôi nhốt và sinh sản, một ở Buôn Đôn và một ở Lắc. Tất cả những con voi cái trong độ tuổi sinh sản cần được đưa đến 2 trung tâm này. Mỗi trung tâm sẽ cần có 2 đến 3 voi đực có kinh nghiệm. Thế hệ đầu tiên có thể tiếp xúc với quản tượng tự do, hoặc có kiểm soát, nhưng thế hệ thứ 2 sẽ chỉ được tiếp xúc có kiểm soát với quản tượng để giảm thiểu đến mức tối đa sự tương tác với con người. Điều này sẽ thúc đẩy tối đa các hành vi tự nhiên của đàn voi.
Cái chết của con voi con làm chúng ta trùng lại. Tôi đã nhận thức được rủi ro này từ trước. Voi Ban Nang khá già cho lần sinh con đầu tiên. Nguyên do là vì đường dẫn sinh của voi quá hẹp và con voi con đã bị ngạt vì thời gian ở trong bụng mẹ kéo dài sau khi dây rốn đứt. Thường thì lần sinh thứ 2 trở đi sẽ dễ dàng hơn vì lúc đó đường dẫn sinh đã được nới rộng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tập huấn thêm cho các bộ của Trung tâm Bảo tồn Voi về các vấn đề sinh sản, bao gồm cả việc kiểm tra siêu âm. Tôi hy vọng voi sinh lứa sau sẽ có thêm cơ hội.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, WWF-Việt Nam
Hy vọng cho những con voi cuối cùng của Việt Nam
WWF-Việt Nam, Tổ chức Piraiz Daiza Foundation và Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk có cùng quan điểm về mục tiêu bảo tồn voi rừng, trong đó tiếp tục duy trì và phát triển các đàn voi nhà có ý nghĩa lớn để hỗ trợ mục tiêu này.
Ba tổ chức chúng tôi, cùng với ông Willem và ông Erin Ivory, chuyên gia nghiên cứu hành vi của voi, dã dành cho Ban Nang một sự chăm sóc rất chuyên nghiệp về chăm sóc y tế, thậm chí một con voi cái đã được thuê từ một chủ khác đã được đưa đến để làm “bà đỡ”cho Ban Nang trong quá trình chuyển dạ. Rất tiếc là Ban Nang đã không mẹ tròn con vuông, nhưng chúng tôi cũng có được rất nhiều bài học cho những lần sau.
Chúng tôi có một lộ trình dài hạn từ 20 đến 40 năm để đàn voi nhà đầu tiên có thể được tái thả và công tác hỗ trợ voi nhà cần thực hiện ngay thời điểm này.
Trong quá trình này, chính phủ Việt Nam sẽ giữ vai trò chính. Các tổ chính phi chính phủ sẽ giữ vai trò hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Chi cục Kiểm lâm, những cá nhân như ông Willem và cộng sự của ông sẽ giữ vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho toàn bộ quá trình gây nuôi, trong khi đó vai trò của WWF là tạo ra sinh cảnh an toàn cho đàn voi nhà khi được tái thả. Sẽ có một cuộc họp quan trọng vào tháng 11 tới để thảo luận kế hoạch đầy tham vọng này.
Đây là thời điểm quan trọng để Đắk Lắk tập trung bảo tồn hành lang sinh cảnh cho đàn voi hoang dã thiết kế sinh cảnh đệm cho đàn voi nhà sinh sống trước khi chúng được tái thả về thiên nhiên hoang dã. Cả voi hoang dã và voi nhà đều cần có sinh cảnh an toàn. Vườn Quốc gia Yok Don và các hành lang di chuyển cho voi cần được bảo vệ và tỉnh Đắk Lắk cần có trách nhiệm về sự sống còn của những con voi này.