Hôm nay (6.11), dự án “Tuổi Thơ Xanh” của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) chính thức khởi động mùa thứ hai. Năm nay, dự kiến có 3200 trẻ mầm non trên toàn huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) tham gia, tăng thêm 2000 bé so với năm đầu tiên.
Đây là một bước tiến đánh dấu sự quan tâm và tham gia của Nhà trường và Gia đình trong công tác giáo dục bảo tồn động vật hoang dã và gắn kết trẻ với thiên nhiên.
Mục tiêu của dự án nhằm mang lại cho trẻ em cơ hội tìm hiểu thiên nhiên và động vật hoang dã, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và định hình thái độ về bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng ngay từ nhỏ. Tương tự năm đầu tiên, các bé sẽ được tham gia trải nghiệm thiên nhiên và học tập tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê.
Các em nhỏ tìm kiếm dấu vết động vật
Theo báo cáo tổng kết dự án năm học 2016-2017, nội dung và hình thức của các hoạt động giáo dục hoàn toàn phù hợp với khả năng nhận thức, ngôn ngữ và thể lực của học sinh mầm non lớp 5 tuổi. Theo đó, khả năng nhận biết các loài động vật hoang dã của trẻ sau khi tham quan đã tăng lên đáng kể, đặc biệt đối với các loài Cầy mực, Tê tê và Mèo rừng đạt tỉ lệ lần lượt đến 79%, 93% và 98 %.
Không những vậy, trẻ còn ghi nhớ những đặc điểm nổi bật của từng loài, và bắt đầu nhận thức về mối nguy hại của việc săn bắt, buôn bán, sử dụng động vật lên đời sống của các loài động vật hoang dã nói chung.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã cho biết, kết quả dự án năm học qua đã khẳng định thêm vai trò quan trọng của công tác giáo dục bảo tồn trong việc gắn kết và thắt chặt tình yêu giữa trẻ và động thực vật hoang dã ngay từ những năm đầu đời. Hi vọng rằng, mô hình dự án sẽ được nhân rộng trên cả nước để mọi trẻ em Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu về bảo tồn động vật hoang dã.
Trò chơi thử thách xúc giác của bé
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Phong, một trong 14 trường đã tham gia dự án năm học 2016-2017 chia sẻ: Đây là một chương trình trải nghiệm hay, ý nghĩa và đậm tính nhân văn. Các em không chỉ được chơi, được học mà còn có cơ hội kết nối với thiên nhiên, cảm nhận sâu sắc hơn về cây cối, động vật.
Được biết, SVW đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ, cũng như kêu gọi sự đóng góp của nhà trường, phụ huynh và các cấp ban ngành để nhân rộng quy mô chương trình, mang đến cơ hội học hỏi khám phá thiên nhiên cho tất cả trẻ em trên cả nước.
Dự kiến 116 chuyến tham quan cho 3,200 trẻ sẽ được tổ chức từ nay đến cuối tháng 5 năm 2018. Trung tâm chào đón các đơn vị báo chí truyền thông đến quay phim, đưa tin hoạt động Dự án.
Tuyết Chinh