(TITC) - Ngày 9/11/2017 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (NCPTDL) tổ chức Hội thảo Xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Tham dự hội thảo có ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch); Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (BVHTTDL), các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các đơn vị làm công tác nghiên cứu, đào tạo và một số doanh nghiệp du lịch.
Đại diện lãnh đạo Viện NCPTDL và nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh cho biết, đây là lần đầu tiên Viện NCPTDL được giao thực hiện xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch theo nội dung Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 24/8/2016. Về cơ bản, đây sẽ là bản báo cáo chính thức hàng năm về hoạt động bảo vệ môi trường của ngành Du lịch, do đó hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo.
Nội dung của bản báo cáo đã đưa ra những đánh giá cơ bản về quy mô, tính chất và tác động của các nguồn gây ô nhiễm và các vấn đề môi trường chính trong lĩnh vực du lịch; đánh giá hiện trạng tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động BVMT trong lĩnh vực du lịch của Bộ VHTTDL và đưa ra những định hướng, kiến nghị về công tác BVMT du lịch trong những năm tiếp theo…
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng cao, chịu tác động và ảnh hưởng của nhiều ngành khác, đồng thời có mối tác động qua lại rất mật thiết giữa môi trường và du lịch. Do đó, để hoàn thiện hơn nữa chất lượng báo cáo, các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị xây dựng bản báo cáo môi trường du lịch phải mang tính đặc thù riêng của ngành, cần phân tích đầy đủ xu hướng tích cực và tiêu cực của du lịch đối với môi trường tự nhiên và nhân văn; tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động du lịch, xu hướng phát triển du lịch bền vững, kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về bảo vệ môi trường du lịch… Đặc biệt, cần có số liệu thống kê về các chỉ số chất thải, nước thải, rác thải… từ các hoạt động du lịch trên toàn quốc, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động hủy hoại môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng khẳng định, môi trường là yếu tố sống còn đối với ngành Du lịch, ví dụ điển hình như vụ Fomosa ở Hà Tĩnh. Vì vậy ngành du lịch cần tuyên truyền công khai, rộng rãi nội dung báo cáo môi trường du lịch hàng năm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan và toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường du lịch, từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Thế Phi