Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XIII và cũng là hoạt động trong chuỗi các sự kiện Văn hóa - Lễ hội hai bên bờ sông Hàn.
Chiều tối 17/11, tại Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017 chính thức khai mạc.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XIII (23/11/2004 – 23/11/2017) và cũng là hoạt động trong chuỗi các sự kiện Văn hóa - Lễ hội hai bên bờ sông Hàn.
Chương trình được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng nhằm mục đích tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống ở xứ Quảng, đồng thời để công chúng được dịp tìm hiểu, khám phá nét đẹp, các giá trị văn hóa đặc sắc của các làng nghề, nhất là được trải nghiệm thực tế.
Trình diễn áo dài trẻ em tại lễ khai mạc.
Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017 với sự tham gia của 13 làng nghề truyền thốngtrên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Chương trình được tổ chức với hình thức trưng bày, trình diễn, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống.
Trong thời gian 3 ngày (17 – 19/11/2017), người dân và du khách tham quan sẽ được thưởng thức nghệ nhân các làng nghề trình diễn, giới thiệu và mua các sản phẩm thủ công truyền thống của Quảng Nam – Đà Nẵng như: Bánh khô mè Cẩm Lệ; Chiếu Cẩm Nê Hòa Tiến - Hòa Vang; Điêu khắc đá Non Nước; Nước mắm Nam Ô; Mây tre Hòa Nhơn; Rượu cần Phú Túc; Bánh tráng Túy Loan; Điêu khắc gỗ Hòa Nhơn... của Đà Nẵng.
Các làng nghề: Đúc đồng Phước Kiều; Mộc Kim Bồng; Lồng đèn Hội An; Nón lá Duy Xuyên; Dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu... của tỉnh Quảng Nam.
Đây là những làng nghề có tiếng từ nhiều đời, sản phẩm của các làng nghề được người dân ưa chuộng, tin dùng.
Chiếu Cẩm Nê Hòa Tiến - Hòa Vang (Đà Nẵng).
Trình diễn cách làm bánh khô mè tại Liên hoan làng nghề.
Trưng bày dệt thổ cẩm Cơ Tu - Quảng Nam.
Đặc biệt, tại Liên hoan, công chúng còn được tham gia một số công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm của làng nghề như nặn (nghề gốm), dệt (nghề chiếu), làm lồng đèn.
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của 2 nhà sưu tập trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ và 1 gian trưng bày về áo dài của thương hiệu Phương Nguyễn Silk..
“Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng là nơi kết nối cộng đồng những chủ thể văn hóa với công chúng. Từ đó, công chúng sẽ có sự đồng cảm với các làng nghề và góp phần đưa làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa “sống” được cùng với sự phát triển của xã hội”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết.
Đức Hoàng