Hồ ở Hà Nội là đặc trưng và nét đẹp riêng của Thủ đô. Bởi thế những người sống ở Hà Nội dù đi đâu, ở đâu trong nước và nước ngoài mỗi khi nhớ về Hà Nội là nhớ đến những chiếc hồ gắn liền với những kỷ niệm đẹp.
Những ai đã từng sống ở Thủ đô, đều có một lần rảo bước quanh hồ Gươm vào những buổi chiều tà khi thành phố lên đèn hoặc vào mỗi sáng mùa thu, mùa đông, ai cũng đã có ít nhất một lần một vòng quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch bằng xe đạp hoặc xe máy và ai cũng một lần dạo quanh hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất...
Ấy là những hồ có từ lâu đời ở Hà Nội. Sau này, vào những năm 1973 - 1976, có thêm hồ Đống Đa, rồi hồ Thành Công, hồ Linh Đàm...
Trong dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã bỏ ra một khoản kinh phí đáng kể để chỉnh trang lại bộ mặt đô thị trong đó có các hồ. Người ta nạo vét lòng hồ, làm đường dạo quanh hồ, trồng cây bóng mát và trang trí đèn điện quanh hồ... biến các hồ trở thành "lá phổi" của các khu vực, cải thiện môi trường.
Thế nhưng gần đây, cảnh quan ở một số hồ đang bị xâm hại. Đơn cử như hồ Đống Đa, vỉa hè và đường dạo quanh hồ, nhất là đoạn tiếp giáp tổ 37 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi để xe máy, ô tô, tập kết vật liệu xây dựng, tập kết thu gom rác rất bừa bộn, ngổn ngang. Mặt đường nhiều chỗ bị xuống cấp, bong tróc, nham nhở, ứ đọng nước thải, phương tiện ô tô qua lại rất vô tổ chức gây ùn tắc giao thông. Khu vực quanh hồ, địa bàn giáp ranh giữa phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình) hàng trăm mét đường lầy lội, nhớp nháp bùn đất bên đường, tồn tại một đống phế thải rất lớn, lưu cữu bốc mùi xú uế, mất vệ sinh môi trường. Dưới mặt hồ, rác, phế thải do việc họp chợ mỗi sáng và các quán hàng ăn mọc quanh hồ buổi tối xả xuống bị sóng, gió đánh dạt vào bờ, rất mất vệ sinh.
Quanh hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất sáng sớm người ta họp chợ để lại rác thải ven hồ. Rồi các hồ Thành Công, Linh Đàm và cả hồ Tây, hồ Trúc Bạch...người ta cũng mở những quán chè, quán giải khát... quanh hồ và thế là họ cứ "vô tư" xả rác xuống hồ, mặc cho mặt hồ đang kêu cứu...
Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường cho những chiếc hồ ở Thủ đô không chỉ là công việc của các các cơ quan chức năng, mà đòi hỏi ý thức tự giác của mỗi người dân Hà Nội. Bởi hồ là "lá phổi" cho các khu vực dân cư. Tuy nhiên cũng rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc với những biện pháp cần thiết để những người dân chưa có ý thức gìn giữ môi trường phải tự ý thức được môi trường trong lành, sạch sẽ là tốt cho cuộc sống của mình và của cả cộng đồng.