Được xem là lá phối xanh, bảo vệ hệ thống đê điều, chống ngập mặn, xói lở nhưng cánh rừng bần nguyên sinh ven sông Lam (Nghệ An) lại đang bị rác thải “bức tử”.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà cuộc sống của nhiều người dân mưu sinh dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rừng bần nằm dọc tuyến đường sinh thái ven sông Lam, đoạn qua các xã Hưng Hòa, xã Phúc Thọ và xã Nghi Xuân thuộc huyện Nghi Lộc rác thải ngập tràn. Không chỉ ở trên cây mà dưới nước và dọc theo bờ đê chỗ nào cũng có túi nilon, xốp, các vật dụng bỏ đi nằm la liệt, bốc mùi hôi thối.
Nhiều người dân sống cạnh ven đê sông Lam cho biết, tình trạng rác thải ngập tràn cánh rừng bần và ven đê sông Lam đã có từ lâu do mỗi đợt mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, lượng rác thải theo dòng nước đổ về cũng rất lớn. Khi nước rút, rác mắc kẹt lại trên cây, để lại ngổn ngang rác bám trên thân cây bần và bờ đê sông Lam.
Khi nước rút, rác mắc kẹt, bám trên cánh rừng nguyên sinh ven đê sông Lam đoạn qua xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Rừng bần ngập mặn nguyên sinh nằm cách trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 8km về phía Đông Bắc với sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật. Rừng có diện tích hơn 70ha, chiều dài 4km, chiều rộng có chỗ đến 300m, phía ngoài tiếp giáp sông Lam, phía trong giáp đê 42. Đây được coi là lá phổi xanh, bảo vệ hệ thống đê điều chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai. Ngoài ý nghĩa về sinh thái, khu vực rừng bần còn là nơi cư trú của nhiều loài tôm, cua, cá, chim...
Trong đó có một số loài thủy sản như cá, ngao, ốc được phép khai thác giúp người dân cải thiện cuộc sống, mang lại giá trị kinh tế. Vì vậy tình trạng rừng ngập mặn bị ô nhiễm bởi rác thải khiến cuộc sống của nhiều hộ dân mưu sinh từ việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản gặp nhiều khó khăn. Anh Bùi Văn Minh - hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá tại đây chia sẻ: Trước đây, nguồn lợi thủy hải sản tại đây rất dồi dào, đánh bắt quanh năm không hết. Vài năm trở lại đây lượng rác thải lớn đồ dồn từ thượng nguồn về, bám tại các cây bần khiến nguồn lợi thủy hải sản cũng giảm dần đi.
Để giải quyết tình trạng này, hàng năm chính quyền địa phương các xã ven đê sông Lam đều huy động Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội khác cùng người dân sống ven đê sông Lam ra quân dọn rác thải. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ cải thiện được một thời gian; sau mỗi đợt lũ, mưa lớn, lượng rác thải từ thượng nguồn đổ về lại rất lớn.
Ông Phạm Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc cho biết: Sau mỗi đợt mưa lũ, chính quyền địa phương đã tích cực phát động người dân ra quân tổng dọn vệ sinh ở đường làng, ngõ xóm cũng như ở khu vực ven đê sông Lam, khu vực rừng ngập mặn. Tuy nhiên, lượng rác thải từ thượng nguồn đổ về quá lớn khiến việc xử lý rác thải không xuể.
Để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc xử lý rác phải đồng bộ từ các địa phương ở khu vực thượng nguồn, tránh tình trạng, mỗi đợt mưa lũ rác thải lại theo dòng nước chảy xuống khu vực hạ lưu, khiến các địa phương ven đê sông Lam như xã Hưng Hòa, Phúc Thọ, Nghi Xuân lại ngập đầy rác.
Tin, ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)