Trước đây, cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) đã từng được quản lý theo nội dung của Chỉ thị 04 được UBND thành phố Hội An ban hành năm 2009 về tạm dừng khai thác, vận chuyển, buôn bán cua Đá Cù Lao Chàm nhằm phục hồi đối tượng này tại xã Tân Hiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cua Đá vẫn bị bắt, khai thác, vận chuyển và buôn bán trái phép tại Cù Lao Chàm, nhất là trong mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm.
Mặc dầu, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động giám sát, ngăn chặn, xử lý, nhưng cua Đá vẫn bị khai thác lén lút và kết quả là khó có thể kiểm soát và dự báo được sự phục hồi của loài động vật này tại Cù Lao Chàm. Năm 2010, phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn Cầu và thành phố Hội An, Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm”. Dự án được tiến hành từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2012.
Trong thời gian 3 năm dự án đã cùng với cộng đồng và chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng được khung quản lý nhằm vận động người dân tham gia bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá tại Cù Lao Chàm. Thông qua các hoạt động điều tra, tuyên truyền, hội thảo, hội thi sáng tác logo xây dựng nhãn sinh thái cua Đá, thử nghiệm công năng của nhãn sinh thái, thành lập Tổ cộng đồng, xây dựng quy ước và trang thiết bị cho hoạt động của Tổ cộng đồng này, một mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã được hình thành.
Hình 1: Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii).
Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) là động vật biển nhưng sống ở trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản để duy trì nòi giống. Vì vậy cua Đá Cù Lao Chàm là “cầu nối” giữa biển và rừng và đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái biển và rừng tại Khu bảo tồn biển cùng tên này. Thời gian bầy đàn cua Đá phát triển hưng thịnh nhất cũng là lúc mà rừng Cù Lao Chàm xanh tươi cùng tiếng chim hót và biển Cù Lao Chàm cá tôm tràn ngập trong các rạn san hô. Tuy nhiên, cua Đá đã bị khai thác mãnh liệt cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng du khách đến thăm đảo hàng ngày. Sáng kiến xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm được hình thành với mục đích bảo tồn, quản lý và sử dụng loài cua Đá này tại Cù Lao Chàm được bền vững.
Hình 2: Rừng Cù Lao Chàm, nơi cua Đá sinh sống Năm 2013,
Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm ra đời. Cùng với chính quyền địa phương, tổ cộng đồng đã thực nghiệm một phương thức khai thác cua Đá có kiểm soát. Cua Đá được khai thác với số lượng cho phép, không mang trứng, theo mùa vụ và kích thước chiều ngang mai cua không nhỏ hơn 7cm. Trong 4 năm từ 2013 đến 2016, đã khai thác và dán nhãn sinh thái tổng cộng 18.972 cua Đá, trong đó 12.780 đực và 6.192 cái. Năm 2016, tổng số được dán nhãn là 5.020 con, trong đó 3.582 đực và 1.438 cái; với kích thước trung bình chiều ngang mai cua khai thác 7,9 cm, so quy định tối thiểu 7 cm. Cua Đá khai thác đúng quy định được dán nhãn sinh thái. Giá bán tổi thiểu 1.000.000 đồng/kg; Lệ phí là 50.000 đồng/kg sử dụng vào chi phí in nhãn, quản lý, thuế tài nguyên và vận hành của Tổ. Từ ngày 1/8 đến 28/2 hàng năm, cua Đá được quản lý và bảo vệ theo Chỉ thị 04 - mùa sinh sản. Cua Đá được khai thác từ tháng 1/3 đến 31/7 hàng năm với số lượng cho phép khai thác là 10.000 con/năm, trọng lượng bình quân của cua Đá khai thác từ 4 đến 5 con trên một kg.
Hình 3: Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) / Cua Đá tại Hòn Dài được cộng đồng bảo vệ không khai thác trong thời gian 3 năm từ 10/2016 đến 8/2019.
Khai thác cua Đá thường vào ban đêm và chỉ có người đàn ông trong gia đình thực hiện việc này, tuy nhiên phụ nữ là người bán cua Đá. Bắt cua Đá thường là những người ngư dân có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên gần đây, khi cua Đá trở thành mặt hàng quý đối với du lịch thì có nhiều thanh niên trẻ tham gia. Hiện tại số người trẻ tuổi đời dưới 30 tham gia bắt cua Đá lên đến 40% tổng số người bắt cua Đá tại Cù Lao Chàm. Tổ cua Đá từ 18 thành viên ngày thành lập nay là 43 và đã đăng ký được nhãn hiệu sinh thái cho sản phẩm cua Đá Cù Lao Chàm.
Hình 4: Cua Đá cái và cua Đá đực (Gecarcoidea lalandii).
Bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và cùng xã hội hành động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã tại địa phương và quốc gia. Hoạt động của Tổ cộng đồng đã tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên Cù Lao Chàm thông qua việc nuôi thử nghiệm cua Đá trong cộng đồng và sau thời gian thử nghiệm, người dân đã kết luận rằng tốt nhất là bảo vệ rừng tự nhiên vì với điều kiện môi trường thiên nhiên, loài cua Đá này sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh và trù phú hơn nhiều. Đồng thời Tổ cộng đồng với phương thức khai thác theo kích thước, số lượng, mùa vụ và vùng đã và đang bảo tồn được khoảng 75% số lượng cua Đá trong tự nhiên hàng năm.
Hình 5: Cua Đá được kiểm tra theo quy định và dán nhãn sinh thái
Sáng kiến Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần vào phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Với hình ảnh con cua Đá được dán nhãn sinh thái là thể hiện những nỗ lực rất lớn của cộng đồng với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Cua Đá dán nhãn sinh thái là sản phẩm du lịch tại Cù Lao Chàm, ngày nay khách du lịch đến với Cù Lao Chàm không chỉ để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, văn hóa mà còn đến để biết được cách ứng xử của người dân Cù Lao Chàm với con cua Đá như thế nào? Nhiều địa phương khác như Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc đã và đang học tập mô hình này để triển khai tại địa phương của mình.
Hình 6: Quá trình bảo tồn và phát triển cua Đá Cù Lao Chàm
Cua Đá được bảo vệ và khai thác hợp lý đã góp phần vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách tích cực vì muốn bảo tồn và khai thác cua Đá một cách bền vững Tổ cộng đồng và người dân phải tích cực trong bảo vệ rừng và đặc biệt là rừng tự nhiên. Loài cua Đá Cù Lao Chàm là loài cua sống cần có môi trường độ ẩm cao và nguồn thức ăn động thực vật đặc biệt là côn trùng phong phú, vì vậy cần phải giữ gìn rừng trong điều kiện khỏe mạnh. Hoạt động bảo tồn cua Đá đồng thời cung cấp một sinh kế cộng đồng bền vững đã và đang tạo điều kiện cho người dân giảm áp lực khai thác biển, ảnh hưởng đến rạn san hô, thảm cỏ biển, đây là các hệ sinh thái góp phần trong giảm lượng khí nhà kính (lắng đọng CO¬2).
Hình 7: Điểm dán nhãn sinh thái cua Đá Cù Lao Chàm
Sáng kiến bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang thể hiện một sự tích cực trong việc bảo vệ quyền hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng. Cua Đá là tài sản cộng đồng, thông qua bảo tồn, giá trị đó càng được hỗ trợ và cũng cố ý nghĩa hơn. Với sự hợp tác giữ gìn và cam kết giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp, khoa học và người dân địa phương, cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang được bảo vệ và bảo tồn cho sinh kế bền vững của cộng đồng. Và cũng từ đây, các hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững cần được lồng ghép mô hình 4 nhà trong đó phân tích rõ trách nhiệm và lợi ích mang lại từ kết quả sáng kiến, cũng như gắn kết vào truyền thông, giáo dục và đào tạo tại địa phương và trường đại học. Một kết quả rất đáng được quan tâm là cua Đá ngày càng được cộng đồng tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, triển khai ngân hàng cua Đá tại Hòn Dài và cấm khai thác theo chu kỳ 3 năm liền.
Kết nối kết quả sáng kiến vào lợi ích của các bên liên quan trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời quy chế quản lý cua Đá cần được xây dựng trên sự đồng thuận của toàn cộng đồng, UBND xã phê chuẩn quy chế và các văn bản liên quan đến khai thác cua Đá hàng năm. Lồng ghép được các hỗ trợ nghiên cứu từ nhà khoa học, sinh viên vào hoạt động của Tổ cua Đá tạo môi trường cho thông tin khoa học và kỹ năng thực hành được giới thiệu, ví dụ như vận hành quy trình giám sát, kiểm tra, dán nhãn hàng ngày của Tổ cua Đá được hình thành và hoàn thiện theo thời gian hợp tác với các đối tác trên.
Sau khi kết thúc hoạt động của sáng kiến (12/2012), tháng 2/2013 UBND xã Tân Hiệp, thành phố Hội An đã ban hành quyết định thành lập Tổ Cộng đồng Bảo vệ và Khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm, cùng với quy chế quản lý cua Đá Cù Lao Chàm và các văn bản liên quan kèm theo nhằm đảm bảo Tổ Cộng đồng hoạt động hợp pháp tại địa phương. Và cũng chính từ thời gian này, Tổ Cộng đồng Bảo vệ và Khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đảm nhận trọng trách của mình cùng với chính quyền địa phương và các bên liên quan bảo tồn cua Đá Cù Lao Chàm một cách hiệu quả. Hỗ trợ, kết nối Tổ cộng đồng tham gia hội thảo gắn kết hoạt động du lịch sinh thái trên cơ sở bảo tồn cua Đá, cộng đồng đã hướng dẫn du khách và quyết định số lượng khai thác cùng giá bán trên cơ sở đề nghị của khoa học.
Hình 8: Cù Lao Chàm nơi thực hiện mô hình dãn nhãn sinh thái cua Đá
Sự tham gia đầy đủ các thành phần liên quan, lồng ghép các hoạt động, hoặc hỗ trợ có thể từ các bên liên quan vào vận hành sáng kiến, phân tích các mối liên kết, hoặc các chuỗi giá trị kết nối đến sản phẩm từ sáng kiến để kêu gọi, hoặc kiểm soát lẫn nhau là những kinh nghiệm quý giá đúc kết được. Sáng kiến bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang đóng góp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm học tập như đề xuất ý tưởng cần được xây dựng dựa trên nền tảng cái cộng đồng có, không nên trên cái cộng đồng cần; Phát huy tối đa nguồn lực địa phương có để vận hành hoạt động của sáng kiến; Nguồn vốn đối ứng cần được mở rộng khái niệm, không chỉ bằng tiền mà tất cả nguồn lực mà địa phương có thể tham gia vào hoạt động của sáng kiến.
Trong tương lai, cùng với sự phát triển du lịch sinh thái tại địa phương con cua Đá Cù Lao Chàm cần phải được bảo vệ và tăng giá trị trao đổi theo hình thức hàng hóa lên cao tương xứng với sự quý hiếm của nguồn gien này đang được bảo tồn và hình ảnh của những nỗ lực về sáng kiến dán nhãn sinh thái của cộng đồng. Con cua Đá cần được hỗ trợ tiếp tục để xây dựng và phát triển thành loài đặc trưng, hình ảnh đại diện của Cù Lao Chàm.
Hình 9: GEF SGP cùng với cộng đồng tại điểm dán nhãn sinh thái Cù Lao Chàm
Mặc dù gần đây, cộng đồng đã bước đầu bảo tồn được số lượng cua Đá tại Cù Lao Chàm và thu nhập của người dân khai thác cua Đá đã tăng cao. Người khai thác cua Đá đóng góp được lệ phí khai thác. Khách du lịch thỏa mãn được nhu cầu của mình tại Cù Lao Chàm. Kết quả bước đầu đạt được là đáng trân trọng từ sự tham gia và đóng góp của cộng đồng. Hiện nay, cùng với các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, mô hình dán nhãn sinh thái cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang được người dân hưởng ứng và tạo tiếng vang trong cả nước. Vì vậy, người dân địa phương đã tham gia tích cực vào bảo vệ rừng để hưởng được nguồn lợi cao về cua Đá, góp phần đáng kể vào bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là sinh kế cộng đồng hiệu quả gắn kết bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội địa phương hiện nay và trong tương lai. Mô hình được nghiên cứu hỗ trợ cải thiện chính sách quản lý tài nguyên môi trường được hiệu quả.
Tuy nhiên, cua Đá cần được nâng tầm thành đối tượng tài nguyên Flag Ship Species tại Cù Lao Chàm, Hội An, nhằm tăng cường mạnh mẽ tính bền vững của bảo tồn và phát triển tại địa phương. Trên quan điểm này cua Đá Cù Lao Chàm sẽ được tiếp cận phương thức quản lý tổng hợp. Các thành phần cộng đồng phải được tham gia và tham gia một cách tích cực và bảo vệ và khai thác hợp lý loài động vật này. Các bên liên quan cần được tham gia và minh bạch trong chia sẻ lợi ích và trách nhiệm quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng và bảo tồn. Đồng thời biểu tượng cua Đá Flagship Species sẽ được tượng trưng và đại diện cho sản phẩm chất lượng của Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.
Chu Mạnh Trinh - Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm