Từ khi đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 được Bộ VHTTDL phê duyệt và ban hành, du lịch biển đảo của nước ta có nhiều bước tiến vượt bậc.
Tuy nhiên, sự phát triển không đồng bộ, khai thác quá mức, thiếu đầu tư đang khiến các điểm du lịch nhàm chán trong mắt du khách. Trong khi đó, các nhà quản lý lung túng, thiếu hướng đi bền vững.
Khánh Hòa là địa phương mạnh về du lịch biển đảo. Hiện nay thị phần khách đến chọn tour biển đảo chiếm trên 80%. “Đặc điểm thu hút khách của du lịch biển đảo Khánh Hòa là gần bờ, khung cảnh đẹp, và đặc biệt là có tour kết nối hết các điểm”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nhận xét.
Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ ra thực trạng không chỉ riêng Khánh Hòa mà nhiều địa phương đang tồn tại, đó là tình trạng khai thác quá mức. “Ở Nha Trang nếu tính hết các cảng đón khách đi biển đảo phải đến con số 10. Tuy nhiều như vậy, nhưng vào các ngày lễ, tết hoặc cuối tuần các cảng, bến này đông nghịt. Khách phải chen lấn từng bước để xuống thuyền. Nếu nhìn vào số lượng đủ biết các điểm đảo đang phải chịu sức ép khủng khiếp như thế nào về số lượng khách đi du lịch”, ông Thành nói thêm.
Thực tế, hiện nay các điểm du lịch biển đảo ở Khánh Hòa đang phải “gồng mình” để đón khách. “Chỉ tính riêng bốn điểm đảo, mỗi ngày phải đón hàng nghìn lượt khách. Nhiều khi khách ra đến nơi vì quá đông phải quay về”, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang thông tin. Ông Thái cũng thừa nhận, việc khai thác quá mức như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. “Khách đến mình không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu sẽ khiến họ không hài lòng. Dần dần hình ảnh về du lịch biển đảo sẽ bớt đẹp trong mắt du khách”, ông Bình nói thêm.
Vấn đề khai thác quá mức không còn là câu chuyện mới, trên thực tế nhiều địa phương không đầu tư, hoặc đầu tư không có trọng tâm, chiến lược dài hơi. “Môi trường biển hiện nay đang bị ô nhiễm, một phần vì khai thác du lịch quá mức. Điển hình như vịnh Nha Trang, nhiều rạn san hô đang nguy cấp vì ô nhiễm, gãy đổ nhiều nơi. Khảo sát mới nhất của chúng tôi về vịnh Nha Trang cho thấy, có đến 45% san hô biến mất, so với 10 năm trước. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc khai thác tài nguyên biển như hiện nay. Nhiều địa phương lấn biển, xây công trình kiên cố khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thông tin.
“Việc ban hành các đề án, chiến lược là cần thiết, nhưng để đi vào thực tế thì cần phải có sự đồng bộ, kế hoạch dài hơi. Hiện các tỉnh làm du lịch đơn lẻ, không thống nhất, đầu tư không đồng bộ, trong khi đó khách đến ngày một tăng sẽ dẫn đến tình trạng cầu vượt quá cung. Khi đó chắc chắn hình ảnh du lịch biển đảo sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Thành thẳng thắn.
Lê Xuân