Tăng cường chất lượng điểm du lịch: Còn nhiều trở ngại

Cập nhật: 31/01/2018
Thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đã tăng cường khuyến cáo xây dựng chất lượng điểm đến du lịch theo đúng bộ tiêu chí đánh giá do Bộ VH-TT&DL ban hành, tuy nhiên nhiều khó khăn vẫn còn hiển hiện.

Việc tạo ra các dịch vụ du lịch mới mẻ và hấp dẫn giúp các điểm du lịch tại Hội An được đánh giá cao. Ảnh: Q.T

Bộ tiêu chí thiết thực

Tháng 12.2016, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và khuyến khích đầu tư, nâng cấp chất lượng du lịch dịch vụ tại các điểm đến.

Đến cuối tháng 6.2017 tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị “Triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý đánh giá điểm đến, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch” để thúc đẩy việc thực hiện quyết định này tại khu vực miền Trung. Tại hội nghị, bà Phạm Lê Thảo - Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, ngoài việc đoàn công tác sẽ kiểm tra trực tiếp tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thì cả 12 địa phương còn lại trong khu vực cần nghiêm túc thực hiện điều này vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương.

Quán triệt điều này, đến nay Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã gửi thông báo đến các đơn vị trực thuộc ở các địa phương trong tỉnh để rà soát thực trạng, tìm giải pháp nâng cao chất lượng các điểm đến trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền - Phòng Quản lý Lữ hành (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Vừa qua đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức lập phiếu đánh giá sự hài lòng của du khách đối với khu du lịch Hội An và Cù Lao Chàm. Kết quả, phần lớn trong 200 khách du lịch tham gia cuộc khảo sát cho điểm cao với tiêu chí sự thân thiện của cộng đồng, ẩm thực trong khi lại chưa hài lòng về môi trường, nhất là nhà vệ sinh công cộng”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 41 điểm du lịch được quản lý và khai thác theo Quyết định 154/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Chiếu theo bộ tiêu chí đánh giá về điểm đến du lịch của Bộ VH-TT&DL, các điểm du lịch của Quảng Nam có nhiều thuận lợi để đạt điểm cao ở các nhóm tiêu chí như: tài nguyên du lịch, sự tham gia của cộng đồng địa phương. Thế nhưng bên cạnh đó cũng chỉ ra sự hạn chế ở nhiều khía cạnh ở các tiêu chí như: sản phẩm và dịch vụ, quản lý điểm đến hay cơ sở hạ tầng.

Lộ nhược điểm

Hội An là địa phương có số lượng điểm du lịch nhiều nhất trong tỉnh với 8/41 điểm. Ngoài phố cổ, 8 điểm du lịch nằm rải rác ở vùng ven thành phố cũng tự nâng chất và tạo ra các dịch vụ du lịch hấp dẫn. Hay như tại làng Triêm Tây (Điện Bàn) đã lắp đặt đầy đủ bảng chỉ dẫn thông tin cho du khách trên các cung đường trong làng. Đồng thời Phòng VH-TT Điện Bàn cũng hoàn tất việc tạo ra bộ quy tắc ứng xử, dự kiến sẽ lắp đặt khổ lớn trong làng và in phát cho du khách trong năm 2018. Thêm nữa, dù gặp trở ngại trong việc vận chuyển rác do xe rác không qua cầu Cẩm Kim nhưng HTX Nông nghiệp du lịch Triêm Tây vẫn duy trì việc thực hiện đề án phối hợp với xã Cẩm Kim thu gom, xử lý rác thải nhằm tạo môi trường trong lành cho du khách.

Đi sâu vào từng khía cạnh ở các nhóm tiêu chí có thể nhận thấy rõ sự hạn chế của nhiều điểm du lịch trên địa bàn Quảng Nam. Ở nhóm tiêu chí sản phẩm và dịch vụ, có thể dễ dàng nhận thấy các tiêu chí như: chỉ dẫn thông tin trong toàn bộ khu du lịch, thuyết minh, quầy thông tin du lịch, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá các giá trị tự nhiên, văn hóa… ở hầu hết điểm du lịch (ngoại trừ TP.Hội An) còn rất sơ sài.

Như điểm du lịch tại thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, mặc dù nằm sát vùng du lịch sôi động tuy nhiên cũng mới chỉ có làng Triêm Tây là điểm đến được phát triển tương đối hoàn chỉnh. Bà Lương Thị Mỹ Linh - Phó phòng VH-TT thị xã Điện Bàn cho hay, một trở ngại trong việc tăng cường chất lượng điểm đến du lịch của địa phương là nguồn thu từ du khách gần như không có và phải trông chờ vào các dự án hỗ trợ của cấp trên.

Ở những nhóm tiêu chí khác, bất cập khiến điểm đến kém hấp dẫn bao gồm: môi trường tự nhiên, xử lý rác thải, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, các dịch vụ cung cấp cho khách rất hạn chế… Có những điểm du lịch bị ô nhiễm rác thải kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn không khắc phục được khiến du khách ngán ngẩm, nhất là ở xã đảo Tam Hải hay các khe, suối tại Quế Sơn hay Đại Lộc.

Với trường hợp của làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) dù đã có “hưởng lợi” từ một lượng khách lớn tham quan Khu di tích Mỹ Sơn, cộng với hạ tầng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh nhưng những cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn lại không có sản phẩm đặc trưng khiến phần đông du khách “sáng đến chiều về”.

Ngoài khó khăn trong vấn đề kinh phí nâng cấp, tăng cường chất lượng các điểm đến du lịch thì việc lượng khách èo uột cũng là lý do được cho khiến nhiều điểm du lịch “giẫm chân tại chỗ”.

Theo số liệu thống kê, có 10 điểm du lịch đạt trên 20 nghìn lượt khách tham quan trong năm 2016 chủ yếu nằm ở TP.Hội An và các bãi biển dọc theo vùng đông của tỉnh. Trong khi đó, lượt khách đến các điểm du lịch còn lại còn rất khiêm tốn như: Bảo tàng Điện Bàn đạt 4 nghìn lượt, làng thổ cẩm Zara (Nam Giang) đạt 2 nghìn lượt hay làng du lịch cộng đồng Đhrôồng chỉ có vỏn vẹn 600 lượt... Theo đại diện quản lý khu di tích tháp Chiên Đàn (Phú Ninh), nếu trừ một số đoàn học sinh tham quan thì trong 3 tháng gần đây chỉ chưa đầy 100 lượt khách ghé di tích. Hiện điểm du lịch này cũng mới được đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn… tuy nhiên nhà vệ sinh chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

QUỐC TUẤN

Nguồn: Báo Quảng Nam