Quy định “không được mang biển ghi tên khách vào khu vực sảnh đón khách” bất ngờ được sân bay Nội Bài áp dụng ngay trong mùa cao điểm của khách quốc tế đến Việt Nam du lịch không chỉ khiến Hướng dẫn viên (HDV) gặp nhiều khó khăn trong việc đón khách, mà còn gây nhiều hệ lụy đến hoạt động du lịch nói chung. Nhiều doanh nghiệp lữ hành than trời vì quy định trái khoáy này.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) lữ hành, quy định không cho mang biển ghi tên khách vào phía trong sảnh được sân bay Nội Bài áp dụng từ khoảng đầu tháng 12/2017. Theo đó, tất cả các trường hợp mang biển đề tên khách đều phải đứng ở hành lang phía bên ngoài, không phân biệt HDV du lịch hay thân nhân đi đón người nhà. Theo giải thích của an ninh sân bay, quy định này nhằm “đảm bảo trật tự, tránh lộn xộn gây ra hình ảnh xấu”.
Doanh nghiệp lữ hành than trời vì quy định trái khoáy của sân bay Nội Bài
Anh Phùng Việt Thắng, HDV Công ty lữ hành Vidotour cho biết, khu vực sảnh sân bay rất đông và khó quan sát, khách từ phía trong đi ra theo 2 cửa A, B; vì vậy HDV đứng bên ngoài không biết khách ra cửa nào để đón. Để biển tên ở ngoài thì khách không nhận ra HDV.
Theo Giám đốc Công ty lữ hành Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh, quy định này rất bất cập vì một số trường hợp DN chỉ cử lái xe của công ty lên sân bay đón khách, chỉ có duy nhất tấm biển tên để khách nhận ra thì lại không được mang vào, lái xe đành đứng đợi bên ngoài, trong khi khách chờ ở phía trong, gây ra rất nhiều phiền toái.
Điều đáng nói là, trong khi HDV du lịch bị cấm vào phía bên trong, thì nhiều lái xe taxi dù, lái xe tự do nhân cơ hội này đã vào chèo kéo, đưa khách ra xe trước khi khách tìm được HDV.
“Không chỉ mất rất nhiều thời gian để đi tìm khách, nhiều hôm chúng tôi không gặp được khách do lái xe taxi ‘dù’ vào bên trong ‘dẫn’ khách ra”, anh Thắng nói.
HDV Nguyễn Xuân Trường, Công ty Đại Việt Á Châu cho hay, tình trạng taxi dù vào sảnh chèo kéo khách không phải mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu, nhưng từ khi có quy định không cho HDV cầm biển vào đón khách, taxi dù càng có cơ hội lộng hành, gây nhiều bức xúc cho du khách, HDV và DN.
“Mặc dù khách vẫn về đúng địa chỉ khách sạn, nhưng số tiền phải trả cho lái xe cao gấp 3 lần so với bình thường”, anh Trường cho biết.
Chị Thu Giang, điều hành tour một DN lữ hành bức xúc “công ty tôi đã có 2 đoàn bị lái xe dù cướp khách, lái xe và điều hành mất mấy tiếng đồng hồ ở sân bay để tìm khách cuối cùng khách được đưa về khách sạn với tiền cước ‘chặt chém’. Khách không hài lòng, lái xe cũng áy náy vì không hoàn thành nhiệm vụ, công ty vừa phải trả lương lái xe vừa phải bồi thường khách”.
Theo HDV Nguyễn Minh Dũng, Công ty du lịch Miền Á Đông, quy định không cho HDV cầm biển vào khu vực sảnh đón khách là rất vô lý, thứ nhất là thời tiết mùa đông miền Bắc rất lạnh, khu vực HDV được phép đứng là chỗ gió lùa mạnh nhất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe HDV; thứ hai là nhiều chuyến bay bị trễ giờ HDV cũng không nắm được vì khu vực này không có loa thông báo cũng như các bảng điện tử hiển thị thông tin. Khách đi từ phía trong ra không thấy HDV đón, nhưng thấy có lái xe mời là lên xe. Nếu có vấn đề gì xảy ra với khách, không riêng HDV phải chịu trách nhiệm mà còn ảnh hưởng đến uy tín DN, cũng như hình ảnh của ngành du lịch nói chung. “Phải có cách nào đó để du khách dễ nhận biết, ví dụ như đặt bảng chỉ dẫn cho khách ra phía ngoài, nơi HDV đứng đợi”, anh Dũng đề xuất.
Doanh nghiệp lữ hành than trời vì quy định trái khoáy của sân bay Nội Bài
Một HDV chia sẻ, việc phía sân bay cho rằng HDV cầm biển đón khách gây ồn ào là không chính xác, “chúng tôi chỉ cầm biển đứng một chỗ để khách nhận ra thì không thể có chuyện gây mất trật tự bởi chúng tôi không cần sử dụng lời nói, không phải gọi lớn như nhiều trường hợp thân nhân đi đón người nhà”.
HDV Hồ Minh Dũng bức xúc “chúng tôi là những người làm ăn chân chính, hành nghề hợp pháp nhưng lại bị đối xử một cách thô bạo ngay trước mặt du khách nước ngoài. Du khách nghĩ gì về du lịch Việt Nam, về an ninh, an toàn khi đến Việt Nam, khi mà những người đại diện cho công ty lữ hành ra đón họ không những không có bất kỳ một sự ưu ái nào, mà còn bị xua đuổi rất phản cảm”.
Anh Vũ Thái Chính, một HDV du lịch kỳ cựu cho hay, quy định này gây nhiều khó khăn phiền toái không chỉ cho HDV – những người trực tiếp đi đón khách, mà cả những DN lữ hành tổ chức tour. “Những đoàn lớn khách ra cùng lúc không vấn đề gì, nhưng với những đoàn khách ghép thì cực vất vả, người ra trước phải đứng bên ngoài cùng HDV để chờ người ra sau trong điều kiện thời tiết rất lạnh, khách thì vừa trải qua một chặng bay dài nên sức khỏe không tốt, nhiều du khách rất không hài lòng”.
Tuy nhiên, điều khiến HDV bức xúc hơn cả vẫn là tình trạng taxi dù “nước đục thả câu”, vào bên trong “cướp” khách, gây phiền toái cho HDV và DN.
“Khách châu Á nói chung và khách Nhật Bản nói riêng hễ có người đón là lên xe, về khách sạn. Trong khi đó, HDV không đón được phải gọi điện về công ty hỏi xem khách có đến không; công ty tiếp tục phải điện sang phía đối tác kiểm tra lại..., vô cùng phiền toái, mất thời gian cũng như tiền bạc, chi phí phát sinh”, anh Chính chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch, anh Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch CLB Du lịch Cộng đồng (CTC), Ủy viên Ban chấp hành chi hội HDV Du lịch Hà Nội cho biết, trong những ngày tới sẽ có báo cáo bằng văn bản tới cơ quan chức năng, đề nghị các giải pháp tháo gỡ tạo thuận lợi cho DN lữ hành cũng như HDV đón khách…
Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ban hành ngày 16/1/2017 cũng chỉ rõ “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”. Trong bối cảnh đó, rất cần sự chung tay đóng góp của các bộ, ngành và cộng đồng xã hội và doanh nghiệp để thúc đẩy du lịch phát triển… |
Việt Hùng