Tình trạng nước biển dâng đang diễn biến ngày càng nhanh và có thể đạt mức 66cm vào cuối thế kỷ này, đúng như dự báo của Liên hợp quốc và đủ để gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với các thành phố ven biển.
Nước sông Seine dâng cao. (Nguồn: Xinhua)
Đây là kết quả công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Nam Florida, Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, Đại học Old Dominion và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia được công bố trên tạp chí Học viện Khoa học Quốc gia (PNAS) Mỹ ngày 12/2.
Báo cáo cho thấy tốc độ nước biển dâng trước đây là 3mm/ năm có thể tăng gấp 3 lên mức 10mm/năm vào năm 2100. Kết quả này cũng sát với Báo cáo đánh giá thứ 5 (AR5) của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dựa trên dữ liệu vệ tinh trong 25 năm.
Tác giả nghiên cứu Steve Nerem nêu rõ sự gia tăng tốc độ nước biển dâng này chủ yếu là do băng tan tại Greenland và Nam Cực. Tình trạng này có khả năng làm tăng gấp đôi lượng nước biển dâng vào năm 2100 lên mức 60 cm so với dự báo trước đó là 30 cm, vốn giả định rằng tốc độ tăng là không đổi.
Biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng theo hai cách. Thứ nhất, nồng độ khí thải trong khí quyển sẽ làm tăng nhiệt độ nước và khiến diện tích vùng nước ấm tăng lên. Hiện tượng giãn nở do nhiệt trên đại dương này chiếm tới một nửa mực nước biển dâng trung bình trên toàn cầu trong 25 năm qua. Bên cạnh đó, các đại dương cũng sẽ dâng lên trong bối cảnh lưu lượng nước ngày một tăng khi băng tại các vùng cực tan nhanh.
Theo nhà khoa học John Fasullo, công trình nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các số liệu vệ tinh trong việc xác nhận tính phù hợp của các dự án về khí hậu./.